05 sinh viên IUH sang Nga trao đổi về điện hạt nhân: Nỗ lực hợp tác quốc tế & chuẩn bị cho ngành đào tạo mới 23-07-2025

Đại học Công nghiệp TP.HCM (IUH) vừa đưa 5 sinh viên khối Kỹ thuật sang thực tập, trao đổi học thuật tại Đại học liên bang Ural (Ural Federal University -UrFU) thành phố Ekaterinburg (CHLB Nga) - trung tâm nghiên cứu và đào tạo hàng đầu về điện hạt nhân. Đây là bước khởi đầu cho nỗ lực hợp tác quốc tế nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Điện hạt nhân, chuyên ngành mới được IUH khai mở từ năm 2025.

Sinh viên IUH tại Đại học liên bang Ural (Liên bang Nga)

Hợp tác quốc tế để đào tạo nguồn nhân lực chiến lược

Với định hướng quốc tế hóa đào tạo, IUH tăng cường liên kết với các cơ sở nghiên cứu, doanh nghiệp năng lượng hàng đầu thế giới. Việc cử sinh viên sang Nga thực tập không chỉ giúp các em trải nghiệm môi trường học thuật hiện đại, mà còn là bước chuẩn bị quan trọng để xây dựng lực lượng kỹ sư điện hạt nhân đáp ứng nhu cầu an ninh năng lượng bền vững của Việt Nam trong tương lai.

Tại Nga, sinh viên IUH sẽ học tập, nghiên cứu tại Đại học liên bang Ural (UrFU) - một trong 10 đại học lớn nhất Nga, nằm tại thành phố Ekaterinburg. UrFU là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, công nghệ vật liệu và tự động hóa, đồng thời là đối tác chiến lược của Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Nga (Rosatom). Trường có bề dày hơn 100 năm hình thành, đào tạo hàng chục nghìn kỹ sư, nhà khoa học, chuyên gia cho nhiều quốc gia, với hệ thống phòng thí nghiệm, mô phỏng nhà máy điện hạt nhân hiện đại cùng đội ngũ giảng viên uy tín.

Sinh viên IUH tại sân bay Quốc tế Sheremetyevo, thành phố Moskva, Nga.

Quyền lợi cho 5 sinh viên tiên phong

5 sinh viên được chọn tham gia thực tập tại Nga gồm:

  • Khoa Công nghệ Điện: Phạm Ngô Quyền Anh, Lê Mạnh Duy
  • Khoa Công nghệ Hóa học: Nguyễn Chí Thiên, Huỳnh Thanh Phong, Nguyễn Thị Thu Hà

Các em sẽ nhận được gói hỗ trợ toàn diện từ UrFU và Bộ Giáo dục Nga, bao gồm:

  • Vé máy bay khứ hồi từ Việt Nam đến Ekaterinburg.
  • Chỗ ở tại ký túc xá mới của UrFU cùng toàn bộ chi phí ăn uống trong suốt thời gian chương trình.
  • Đào tạo chuyên sâu tại chuyên đề học tập: Công nghệ hạt nhân (Nuclear technologies track)
  • Các chuyến tham quan nhà máy, hoạt động văn hóa, giải trí và khóa học tiếng Nga cơ bản.
  • Giấy chứng nhận hoàn thành, quà lưu niệm và bộ quà tặng (merch pack).

05 sinh viên khối kỹ thuật IUH và giảng viên Đại học liên bang Ural

Khoá thực tập, trao đổi học thuật sẽ là bước đệm để các sinh viên tiếp tục theo học chuyên sâu về ngành công nghệ điện hạt nhân tại Đại học liên bang Ural vào năm tới, sau khi hoàn thành chương trình đại học tại Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh theo thoả thuận hợp tác giữa hai trường.

TS. Nguyễn Trung Nhân – Trưởng phòng Đào tạo IUH khẳng định: “Chuyên ngành Điện hạt nhân tại IUH không chỉ bổ sung nguồn nhân lực cho các chương trình năng lượng sạch quốc gia, mà còn mở ra cơ hội nghiên cứu, phát triển nghề nghiệp theo hướng bền vững, hiện đại. Trong bối cảnh Việt Nam nghiên cứu tái khởi động chương trình điện hạt nhân, lực lượng kỹ sư có chuyên môn cao là yếu tố then chốt”.

Ngành đào tạo mới: Điện hạt nhân – chiến lược dài hạn

Năm học 2025–2026, IUH chính thức triển khai 5 ngành và chuyên ngành mới: Điện hạt nhân, Quản lý năng lượng, Trí tuệ nhân tạo, Công nghệ tài chính và Ngôn ngữ Trung. Trong đó, Điện hạt nhân thuộc ngành Công nghệ Điện được đánh giá là bước đi chiến lược, góp phần đào tạo đội ngũ kỹ sư phục vụ lĩnh vực năng lượng sạch và bền vững.

Sinh viên chuyên ngành này sẽ được trang bị kiến thức chuyên sâu về:

  • Vật lý hạt nhân
  • Kỹ thuật nhà máy điện hạt nhân
  • Hệ thống điều khiển tự động hóa
  • An toàn công nghệ cao