Nhóm nghiên cứu mạnh trong trường đại học: "Cú hích" nghiên cứu khoa học 22-01-2021

Xuất phát từ chủ trương của Bộ GD&ĐT, nhiều trường đại học đã hình thành nhóm nghiên cứu mạnh (NCM), nghiên cứu trọng điểm.

TS Nguyễn Ngọc Sơn (đứng) thuộc nhóm NCM của Trường ĐH Công nghiệp TPHCM đang thảo luận đề tài. Ảnh: TG
TS Nguyễn Ngọc Sơn (đứng) thuộc nhóm NCM của Trường ĐH Công nghiệp TPHCM đang thảo luận đề tài. Ảnh: TG

Việc hình thành các nhóm nghiên cứu này đã tạo nên “cú hích” cho sự phát triển trong nghiên cứu khoa học nói riêng, đồng thời góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục ĐH. 

Đóng góp nhiều cho nghiên cứu khoa học

Theo TS Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM (IUH), việc hình thành nhóm NCM, nghiên cứu trọng điểm là chủ trương quan trọng và đúng đắn của Bộ GD&ĐT, góp phần phát triển nghiên cứu khoa học (NCKH) ở các trường ĐH nói riêng và kinh tế đất nước nói chung.

“Triển khai từ năm 2019, hiện IUH có gần 40 nhóm NCM, trong đó có khoảng 8 nhóm chủ lực về các lĩnh vực như: Cơ khí - tự động hóa, hóa – sinh - môi trường, công nghệ thông tin (CNTT), điện - điện tử. Các nhóm nghiên cứu đã đóng góp một phần vào các công bố khoa học và đề tài nghiên cứu, chuyển giao công nghệ của IUH. Năm 2020, IUH công bố hơn 400 bài trong danh mục ISI/Scopus, trong đó số bài của các nhóm NCM chiếm khoảng 1/4…” - TS Nguyễn Trung Nhân chia sẻ.

Tương tự, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (HCMUTE) thành lập nhóm nghiên cứu trọng điểm đầu tiên từ năm 2013, đến nay, nhà trường có 13 nhóm nghiên cứu trọng điểm cho hầu hết lĩnh vực khoa học kỹ thuật. Theo PGS.TS Hoàng An Quốc - Trưởng phòng Khoa học công nghệ & Quan hệ quốc tế HCMUTE, việc thành lập nhóm NCM là xu hướng tất yếu. Nếu kết hợp tốt các nhóm NCM, sẽ giải quyết được những nhiệm vụ nghiên cứu mang tầm vĩ mô, nhất là trong thời đại 4.0.

“Số lượng bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế uy tín tăng rõ rệt hàng năm, toàn trường có 36 bài trong năm 2013, năm 2020 tăng lên 141 bài. Số lượng đề tài Quỹ Nafosted, cấp Bộ, cấp tỉnh trong giai đoạn 2015 - 2020 tăng cao so với giai đoạn 2010 - 2015. Từ đó, uy tín trong khoa học của trường cũng được nâng lên tầm cao mới so với giai đoạn trước, thể hiện qua bảng xếp hạng của Google scholar, giải thưởng Bảo Sơn của nhóm Công nghệ hóa học Thực phẩm năm 2019. Ngoài ra, hiệu quả của các nhóm nghiên cứu cũng đóng vai trò tích cực trong đào tạo với 2 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công, 1 giáo sư đạt chuẩn trong năm 2020 của nhóm Xây dựng…” - PGS.TS Hoàng An Quốc chia sẻ.

Thực hiện chủ trương của Bộ GD&ĐT, năm 2018, Trường ĐH Sư phạm TPHCM (HCMUE) thành lập được hai nhóm NCM: Nhóm nghiên cứu Vật lý tính toán về nguyên tử, phân tử trong điện từ do GS.TSKH Lê Văn Hoàng làm Trưởng nhóm với 7 thành viên; Nhóm nghiên cứu Tâm lý học giáo dục do GS.TS Huỳnh Văn Sơn làm Trưởng nhóm với 8 thành viên.

GS.TS Huỳnh Văn Sơn - Phó Hiệu trưởng phụ trách HCMUE cho biết: Nhóm nghiên cứu Vật lý tính toán về nguyên tử, phân tử trong điện từ đã có những thành tựu nổi bật với gần 40 công bố khoa học quốc tế có uy tín. Nhóm NCM Tâm lý học giáo dục đã thực hiện đúng hạn hai đề tài khoa học cấp Nhà nước trong Chương trình khoa học giáo dục quốc gia; Chủ trì một đề tài khoa học cấp quốc gia Quỹ Nafosted, nghiệm thu năm 2020; Hoàn thành 2 đề tài khoa học cấp thành phố; Hoàn thành 2 đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ và bảo vệ thành công 3 đề tài thanh khoản - nguồn kinh phí tài trợ và nhiều đề tài cơ sở đặt hàng đã và đang tiến hành. 

Hành lang để nhóm NCM phát triển

Không dừng lại ở các trường công lập, việc hình thành nhóm NCM tại các cơ sở GDĐH ngoài công lập cũng tạo những đột phá về NCKH. TS Võ Văn Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang (VLU) cho hay: 24 nhóm NCM của trường hoạt động rất hiệu quả. Tất cả đều tham gia phát triển NCKH của trường thông qua đề án 1000.

“Các nhóm NCM đã đăng ký 253 bài báo công bố quốc tế (trung bình mỗi nhóm đăng ký khoảng 10,5 bài). So với năm học 2019 - 2020, toàn trường có 78 bài báo khoa học công bố quốc tế thì đây là một bước tiến lớn về NCKH, góp phần nâng cao vị thế của nhà trường trong bảng xếp hạng các trường ĐH trên thế giới” - TS Võ Văn Tuấn thông tin.

Để các nhóm NCM phát triển hơn nữa, TS Võ Văn Tuấn cho rằng cần đầu tư nhiều hơn về tài chính để có thiết bị thí nghiệm hiện đại, xây dựng cơ chế khoán sản phẩm.

Thời gian qua, Trường ĐH Lạc Hồng (LHU) cũng tạo được sự chú ý với các đề tài NCKH mang tính ứng dụng cao. Theo PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng LHU, cùng với chính sách thu hút nhân tài và chế độ đãi ngộ tốt, LHU đã đào tạo được một đội ngũ tiến sĩ hùng mạnh. Các TS đã hình thành nên các nhóm NCM và tham gia đấu thầu dự án lớn trong và ngoài nước, thực hiện nghiên cứu chuyển giao công nghệ phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn.

“Nhiều đề tài chuyển giao được các doanh nghiệp đánh giá rất cao. Bằng nội lực của giảng viên trong thời gian qua LHU đã công bố bài báo khoa học quốc tế và xếp vào tốp 50 trường ĐH của Việt Nam có công bố quốc tế tốt nhất. Chất lượng đào tạo của nhà trường nâng lên rõ rệt thông qua các nhóm sinh viên có đề tài tham dự các giải thưởng khoa học công nghệ cấp tỉnh, thành phố, bộ ngày càng tăng và số lượng đạt giải cao ngày càng nhiều…” - Phó Hiệu trưởng LHU chia sẻ

Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh cũng cho rằng: Để các nhóm NCM hoạt động hiệu quả, việc đầu tư trang thiết bị phục vụ nghiên cứu phải hiện đại, tương xứng với đội ngũ. Ngoài sử dụng nguồn lực của nhà trường cần có sự phối hợp với các quỹ khoa học công nghệ trong và ngoài nước để thúc đẩy tiến trình này; phối hợp với các doanh nghiệp để tạo nguồn lực cho các nhóm phát triển mạnh mẽ.

Để nhóm NCM phát triển mạnh hơn trong thời gian tới, ở cấp độ Nhà nước nên đầu tư phòng thí nghiệm trọng điểm cũng như cấp kinh phí cho những đề tài, dự án trọng điểm mang tính dài hơi. Qua đó, nhóm nghiên cứu có thể phát huy được thế mạnh của mình trong việc thực hiện các nghiên cứu phục vụ xã hội. - PGS.TS Hoàng An Quốc

Theo Báo Giáo dục và Thời đại