Bàn giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động hỗ trợ đổi mới sáng tạo vùng Đông Nam Bộ 19-12-2024
Các tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo vùng Đông Nam Bộ hiện phát triển khá mạnh, song làm thế nào để hoạt động hiệu quả, gắn với thực tiễn cần giải pháp cụ thể.
Ngày 19/12, tại TP. Hồ Chí Minh, diễn ra “Hội thảo hiện trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo vùng Đông Nam Bộ”, do Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp cùng Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh và cộng đồng khởi nghiệp Ecotech - Techfest Việt Nam đồng tổ chức.
PGS.TS. Đàm Sao Mai - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh
Chia sẻ tại sự kiện, PGS.TS. Đàm Sao Mai - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh - nhấn mạnh: Hoạt động đổi mới sáng tạo đang diễn ra với một tốc độ rất nhanh trong những năm gần đây, đặc biệt chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam gần đây rất tốt. Cùng với đó, hoạt động đổi mới sáng tạo của các địa phương, các trường, đơn vị, trung tâm cũng phát triển khá mạnh.
Để đảm bảo đưa ra được hiệu quả hoạt động đổi mới sáng tạo không chỉ là phong trào mà gắn với thực tiễn, hiệu quả trong cuộc sống cần rất nhiều bàn luận. Chính vì thế, trường cùng với Bộ Khoa học và Công nghệ và cộng đồng khởi nghiệp Ecotech - Techfest Việt Nam đồng tổ chức hội thảo này nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ triển khai, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tạo động lực mới đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội quốc gia trong xu thế hội nhập và cách mạng công nghiệp lần 4.
Đại biểu tham dự hội thảo
Đồng thời, đáp ứng mục tiêu thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. “Do đó rất mong quý vị đại biểu tập trung bàn thảo nội dung hữu ích, thực sự tìm ra được giải pháp để nâng cao hoạt động của đổi mới sáng tạo”, PGS.TS. Đàm Sao Mai bày tỏ.
Nhấn mạnh Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh với tầm nhìn trở thành trường đại học nghiên cứu ứng dụng hàng đầu của Việt Nam, luôn phấn đấu để hoạt động đổi mới sáng tạo khởi nghiệp không chỉ là phong trào mà đi vào thực chất, tạo giá trị cho xã hội, PGS.TS. Đàm Sao Mai cho biết, nhà trường mạnh dạn đầu tư cho nghiên cứu phát triển thông qua các cơ chế chính sách hỗ trợ giảng viên sinh viên; tăng cường đào tạo kỹ năng đổi mới sáng tạo khởi nghiệp; thúc đẩy sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp, thương mại hoá các kết quả nghiên cứu của trường; tăng cường mạng lưới liên kết doanh nghiệp, hợp tác nghiên cứu - phát triển giữa doanh nghiệp và nhà trường.
“Trường vừa được UBND TP. Hồ Chí Minh đánh giá có hoạt động đổi mới sáng tạo mạnh trong top 3 ở TP. Hồ Chí Minh. Đây là thành quả ghi nhận sự đóng góp của trường trong hoạt động đổi mới sáng tạo tại Việt Nam”, PGS.TS. Đàm Sao Mai nói.
ThS. Đặng Hoàng Anh Tuấn - dại diện Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo trình bày tham luận “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả hỗ trợ đổi mới sáng tạo vùng Đông Nam Bộ" tại hội thảo
Tại hội thảo, đại diện Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ) thông tin những điểm cốt lõi về chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo hiện hành và giải pháp quản lý nhà nước trong hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo…
Ngoài ra, các diễn giả tại hội thảo cũng đã trình bày tham luận về hiện trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo vùng Đông Nam Bộ; chia sẻ về khó khăn, nhu cầu hỗ trợ của các doanh nghiệp của vùng; vai trò của các trường đại học trong việc hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và startup tại địa phương trong vùng...
Các diễn giả chia sẻ kinh nghiệm và nêu những giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo vùng Đông Nam Bộ tại hội thảo
Đồng thời, chia sẻ bài học kinh nghiệm và đề xuất các mô hình và định hướng phát triển trung tâm đổi mới sáng tạo phù hợp với đặc thù vùng Đông Nam Bộ; ứng dụng trí tuệ nhân tạo, ứng dụng khoa học công nghệ để thực hiện đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế địa phương khu vực Đông Nam Bộ.
Đặc biệt, trong phần tọa đàm, các diễn giả, nhà quản lý đã tập trung thảo luận về định hướng hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo và mở rộng thị trường cho các sản phẩm của địa phương khu vực vùng Đông Nam Bộ.