IUH khánh thành Phòng thí nghiệm Robot và tiếp nhận thiết bị từ ABB Việt Nam 04-04-2025

Ngày 4-4, Đại học Công nghiệp TP. HCM tổ chức Lễ khánh thành Phòng thí nghiệm Robot và tiếp nhận thêm 2 cánh tay Robot công nghiệp hiện đại từ nhà tài trợ ABB Việt Nam.

Đại diện hai bên cùng lãnh đạo các đơn vị tham dự buổi lễ

Tham dự buổi lễ, về phía Nhà trường có PGS. TS. Đàm Sao Mai, Phó Hiệu trưởng; TS. Trần Thanh Ngọc, Trưởng khoa CN Điện cùng trưởng/phó các đơn vị đào tạo, phòng/ban/trung tâm và giảng viên, sinh viên khoa Công nghệ Điện.

Về phía đơn vị tài trợ có ông Trần An Khang, Giám đốc Ban Robot và Tự động hóa nhà máy ABB Việt Nam cùng lãnh đạo các phòng ban và  kỹ sư của công ty.

Về đối tác của Khoa có Giáo sư Chen - Hu Chen, Giám đốc Trung tâm Năng lượng tiên tiến Đại học Ilan, Đài Loan.

Phát biểu tại buổi lễ, PGS. TS. Đàm Sao Mai đã gửi lời cảm ơn đến Công ty TNHH ABB Việt Nam đã luôn dành tình cảm trân quý và đặt niềm tin vào Nhà trường thông qua việc hỗ trợ các trang thiết bị phục vụ cho việc đào tạo. Đây là sự đóng góp rất ý nghĩa của Công ty vào sự phát triển của Nhà trường, đặc biệt đối với khối ngành công nghệ điện, tự động hoá.

Theo ông Trần An Khang, hướng đến đào tạo nguồn lực lao động có tay nghề, công ty ABB Việt Nam muốn mang đến giá trị tốt đẹp cho xã hội. Ông Khang cho rằng: Những hệ thống robot này không chỉ hỗ trợ thử nghiệm các thuật toán điều khiển hiện đại mà còn tạo điều kiện để phát triển và tối ưu hóa các giải pháp công nghệ ứng dụng trong thực tế. Giảng viên và sinh viên IUH sẽ có cơ hội nghiên cứu và học tập trực tiếp trên các thiết bị thông minh, mang lại lợi thế về cơ hội nghề nghiệp.”.


PGS. TS Đàm Sao Mai – Phó Hiệu trưởng nhà trường và ông Trần An Khang - Giám đốc Ban Robot và Tự động hóa nhà máy ABB Việt Nam cùng nhau ký biên bản thỏa thuận

Bên cạnh các robot đã được Nhà trường đầu tư, khoa Công nghệ Điện, đại diện cho Nhà trường tiếp nhận hai cánh tay robot công nghiệp do ABB Việt Nam tài trợ, phục vụ cho công tác đào tạo trong thời gian 03 năm.

Ngay sau đó là nghi thức khánh thành Phòng thí nghiệm Robot tại khoa Công nghệ Điện. Sự hỗ trợ quý báu từ ABB Việt Nam mang lại ý nghĩa sâu rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên ngành Tự động hóa và Robot trong việc học tập và nghiên cứu.


Nghi thức cắt băng khánh thành Phòng thí nghiệm Robot – Khoa Công nghệ Điện

Các kỹ sư trình bày về cơ chế hoạt động của Robot

Sinh viên khoa CN Điện thực hành trên mô hình mới

Từ năm 2022, Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh đã hợp tác với Công ty ABB Việt Nam trong việc đầu tư và xây dựng phòng thí nghiệm trọng điểm điều khiển điện Smart Grid. Năm 2023, Nhà trường nhận được gói tài trợ 100 license phần mềm mô phỏng Robot Studio từ ABB để phục vụ cho đào tạo ngành robot. Và năm nay, việc hợp tác để phát triển Phòng thí nghiệm Robot với 4 robot công nghệ tiên tiến nhất, áp dụng cho lĩnh vực công nghiệp được sản xuất bởi ABB, điều này cho thấy mối quan hệ hợp tác giữa Nhà trường và ABB đã nâng lên tầm cao mới.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo và học sâu trong thời đại công nghiệp 4.0, ngành Điều khiển tự động của khoa Công nghệ Điện đã mở thêm chuyên ngành Robot và Hệ thống điều khiển thông minh từ năm 2022 nhằm bắt kịp xu hướng phát triển công nghệ trên thế giới. Phòng thí nghiệm được trang bị Robot với các thiết bị ngoại vi đi kèm, trong đó có 2 Robot Yumi và Gofa được nhà trường đầu tư với những tính năng hiện đại và được sử dụng rộng rãi trong các ứng dụng công nghiệp, một robot Yumi với hai cánh tay mô phỏng chuyển động của con người, một robot Gofa được trang bị những công nghệ tiên tiến nhất, bao gồm cảm biến lực và moment, giúp robot có khả năng tương tác linh hoạt với môi trường xung quanh.

Ngoài ra, còn có thêm 2 con robot công nghiệp IR-1200 được hỗ trợ từ phía ABB phục vụ cho đào tạo robot công nghiệp, làm cho nghiệm phòng thí nghiệm trở nên đầy các tính năng phục vụ cho sinh viên ngành robot và hệ thống điều khiển thông minh, đáp ứng ứng được nhu cầu và xu thế hội nhập ngành robot. Qua đó, giảng viên có thể xây dựng giáo án, thiết kế các bài thực hành gắn liền với các hệ thống robot cụ thể, nâng cao tính trực quan và tính ứng dụng của bài giảng.

Việc được tiếp cận sớm với các công nghệ robot tiên tiến ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh cho sinh viên Khoa Công nghệ Điện - IUH trong thị trường lao động kỹ thuật cao của thời đại công nghiệp 4.0.