Hội thảo “Nâng cao năng lực quản trị tài sản trí tuệ” của Cục Sở hữu trí tuệ tại IUH 31-03-2025
Hội thảo nhằm tạo diễn đàn để các chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về chiến lược bảo hộ, khai thác và thương mại hóa các sản phẩm trí tuệ.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Trong bối cảnh nền kinh tế tri thức đang phát triển nhanh chóng, việc quản trị hiệu quả tài sản trí tuệ đã trở thành yếu tố then chốt góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các tổ chức, doanh nghiệp và cơ sở giáo dục. Sáng ngày 28-3, Đại học Công nghiệp TP. HCM (IUH) phối hợp cùng Cục Sở hữu Trí tuệ tổ chức hội thảo “Nâng cao năng lực quản trị tài sản trí tuệ”.
Tham dự hội thảo, có PGS.TS. Đàm Sao Mai, Phó Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS. Trịnh Ngọc Nam, Trưởng phòng Quản lý Khoa học & Hợp tác Quốc tế; PGS. TS. Lê Minh Hùng, Trưởng khoa - Khoa Luật và Khoa học chính trị; TS. Phạm Thị Hồng Phượng, Cố vấn cao cấp tại Trung tâm Đổi mới Sáng tạo.
Các diễn giả tham dự có TS. Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ; TS. Nguyễn Thị Hoàng Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ Tư vấn; Ông Nguyễn Văn Vinh, Phó trưởng phòng Y-dược tại Trung tâm Thẩm định Sáng chế; Ông Phạm Văn Quân - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Checkee.
Cùng đại điện bộ phận về sở hữu trí tuệ từ nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp và giảng viên, sinh viên Đại học Công nghiệp TP. HCM cùng tham dự.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế, hội thảo mong muốn góp phần nâng cao nhận thức và năng lực quản trị tài sản trí tuệ, sự kiện còn mang ý nghĩa đặc biệt khi là hoạt động thường niên kể từ khi Trường ký kết Thỏa thuận hợp tác với Cục Sở hữu Trí tuệ từ tháng 01/2021.
Phát biểu tại hội thảo, PGS. TS. Đàm Sao Mai, Phó hiệu trưởng Nhà trường: “Nhằm mở ra không gian chuyên sâu để các nhà khoa học, chuyên gia và doanh nghiệp cùng thảo luận về chiến lược quản trị tài sản trí tuệ trong bối cảnh nền kinh tế tri thức đang phát triển nhanh chóng, Đại học Công nghiệp TP. HCM vinh dự được phối hợp cùng Cục Sở hữu Trí tuệ tổ chức hội thảo này, từ đó lan toả chính sách pháp luật về sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền lợi tác quyền cho nhà nghiên cứu nói chung và giảng viên, sinh viên IUH”
PGS. TS. Đàm Sao Mai, Phó hiệu trưởng Nhà trường trao thư cảm ơn đến các diễn giả
TS. Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ, phát biểu chỉ đạo: “Chúng tôi đề cao những hoạt động, những kết quả nỗ lực của Nhà trường trong việc phối hợp cùng Cục Sở hữu trí tuệ trong hoạt động sở hữu trí tuệ trong thời gian qua”. Ông nhấn mạnh về sự ra đời của Nghị Quyết 57, trong đó có đánh giá sâu sắc về nền kinh tế phát triển trong những năm đến, về tầm quan trọng của Khoa học công nghệ. Để làm được các mục tiêu đặt ra, cần phải thay đổi tư duy, “cởi trói” cho hoạt động đấu thầu, cho nhiều hoạt động khác nhau trong thủ tục hành lang pháp lý, từ đó thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ Đại học Công nghiệp TP. HCM nói riêng, các trường đại học trong cả nước và rộng hơn là sự đóng góp cho sự phát triển của cả nước”.
TS. Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ, phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo
Chương trình hội thảo được chia thành hai phần chính, phần thứ nhất sẽ tập trung vào các báo cáo chuyên sâu và phần thứ hai sẽ dành cho tập huấn chuyên đề.
Các báo cáo viên hàng đầu sẽ trình bày những nội dung quan trọng:
- Báo cáo thứ nhất do Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoàng Hạnh - Giám đốc phụ trách Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ Tư vấn, Cục Sở hữu Trí tuệ, sẽ tập trung vào việc xây dựng Quy chế Quản trị Tài sản Trí tuệ trong các trường đại học và viện nghiên cứu.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoàng Hạnh - Giám đốc phụ trách Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ Tư vấn, Cục Sở hữu Trí tuệ trình bày báo nội dung thứ nhất
- Báo cáo thứ hai của Tiến sĩ Phạm Thị Hồng Phượng - Trưởng bộ môn Công nghệ Hóa học Vật liệu, Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, sẽ phân tích sâu về việc ứng dụng Chính sách Sở hữu Trí tuệ vào thực tiễn.
Tiến sĩ Phạm Thị Hồng Phượng - Trưởng bộ môn Công nghệ Hóa học Vật liệu, Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh báo cáo nội dung thứ hai
- Ông Phạm Văn Quân - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Checkee, sẽ mang đến báo cáo về thương mại hóa và hợp tác doanh nghiệp trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.
Ông Phạm Văn Quân - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Checkee báo cáo nội dung thứ ba
Sau ba báo cáo chuyên sâu, phiên thảo luận đặc biệt dưới sự chủ trì của hai chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Sở hữu Trí tuệ. TS. Trần Lê Hồng - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ, một chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong việc xây dựng và phát triển hệ thống quản lý sở hữu trí tuệ tại Việt Nam. Và cùng chủ trì phiên thảo luận, PGS.TS Đàm Sao Mai – Phó Hiệu trưởng Đại học Công nghiệp Tp.HCM, một học giả có uy tín với nhiều công trình nghiên cứu quan trọng và cá nhân được cấp 07 bằng Giải pháp hữu ích Quốc gia trong năm 2023. Phiên thảo luận sẽ tập trung vào những vấn đề then chốt về các chuyên đề đã báo cáo. Phiên thảo luận cũng nhận được sự đóng góp ý kiến, trao đổi nhiệt tình của nhiều chuyên gia, các thầy cô đến từ nhiều trường khác nhau.
Phần thứ hai của hội thảo dành riêng cho hai chuyên đề chuyên sâu do ông Nguyễn Văn Vinh - Phó trưởng phòng Y-dược, Trung tâm Thẩm định Sáng chế, Cục Sở hữu Trí tuệ, trực tiếp giảng dạy về "Tra cứu Thông tin Sáng chế" và "Viết Bản mô tả Sáng chế". Với tính chuyên môn cao, sự kiện mang đến những giải pháp thực tiễn và chiến lược cụ thể cho việc quản trị tài sản trí tuệ, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các tổ chức, doanh nghiệp và cơ sở giáo dục trong bối cảnh kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ.
Ông Nguyễn Văn Vinh - Phó trưởng phòng Y-dược, Trung tâm Thẩm định Sáng chế, Cục Sở hữu Trí tuệ tại buổi tập huấn
Buổi tập huấn tra cứu thông tin và viết bản mô tả sáng chế
Hội thảo "Nâng cao năng lực Quản trị Sở hữu Trí tuệ” - động lực Đổi mới Sáng tạo Quốc gia - đã thành công với những báo cáo chuyên sâu từ các chuyên gia hàng đầu. TS. Nguyễn Thị Hoàng Hạnh đã làm rõ quy chế quản trị Tài sản Trí tuệ, TS. Phạm Thị Hồng Phượng chia sẻ ứng dụng chính sách SHTT trong học thuật, và ông Phạm Văn Quân mang đến những kinh nghiệm thực tiễn về thương mại hóa và hợp tác doanh nghiệp. Các nội dung then chốt như chiến lược phát triển hệ sinh thái sở hữu trí tuệ, cơ chế chuyển đổi nghiên cứu thành sản phẩm ứng dụng và mô hình hợp tác giữa các viện nghiên cứu và doanh nghiệp đã được làm rõ một cách sâu sắc.
Hình ảnh khác tại chương trình: