Hội nghị Khoa học Quốc tế lần thứ 7 – MAMM 2024” tại IUH 17-11-2024
Hội nghị Khoa học Quốc tế lần thứ 7 với chủ đề “Vi cơ kỹ thuật, cảm biến và cơ cấu chấp hành” được tổ chức tại Đại học Công nghiệp TP. HCM (IUH).
Quang cảnh hội nghị
Hội nghị MAMM 2024 do Khoa Công nghệ Cơ khí – Đại học Công nghiệp TP. HCM đăng cai chủ trì, kết hợp với Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc Gia TP.HCM, Trường ĐH Công nghệ Tokyo (Nhật Bản) dưới sự bảo trợ của Liên đoàn quốc tế về phát triển khoa học kỹ thuật cơ khí (IFToMM) - một tổ chức uy tín liên quan đến lĩnh vực cơ khí trên thế giới. Hội nghị được tổ chức từ ngày 8/11 đến ngày 10/11/2024 tại Đại học Công nghiệp TP. HCM.
Tham dự hội nghị có GS. TS. Lena Zetner - Đại học Kỹ thuật tổng hợp Ilmenau, Cộng hoà liên bang Đức (Technische Universität Ilmenau, Germany); GS.TS. Ashok Kumar Pandey - Viện Công nghệ Hyderabad, Ấn Độ (Indian Institute of Technology Hyderabad, India); GS.TS. Takahito Ono đến từ trường đại học Tohoku, Nhật Bản, GS.TS. Kyeong-Sik Min - Trường Đại học Kookmin, Hàn Quốc; GS.TS. Izhak Bucher – Viện Công nghệ Israel, TS. Edison Chen - Giám đốc điều hành liên minh các công ty Mỹ-Đài loan (CEO of Taiwan Eastbound Alliance – Landing America, Taiwan).
Cùng tham dự, về phía đại diện đơn vị tổ chức có, PGS. TS Đàm Sao Mai – Phó hiệu trưởng nhà trường, GS.TS. Lê Văn Tán – Nguyên Phó hiệu trưởng nhà trường, cùng các trưởng/phó đơn vị của Trường.
Về phía trường Đại học Khoa học Tự Nhiên TP. HCM có PGS.TS. Trần Minh Triết - Phó hiệu trưởng, PGS.TS. Ngô Đại Nghiệp - Trưởng phòng Quan hệ đối ngoại, PGS.TS. Nguyễn Văn Hiếu – Phó Giám đốc trung tâm sở Hữu Trí Tuệ & Chuyển giao Công nghệ Đại học Quốc gia TP. HCM cùng các giáo sư (GS) nổi tiếng đến từ Đại học Tohoku, Nhật Bản. Và đặc biệt, có sự tham gia của hơn 400 đại biểu, các nhà khoa học, thầy cô giáo và các bạn sinh viên đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ - bao gồm: CHLB Đức, Pháp, Ý, Rumani, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Israel, Đài Loan và Việt Nam.
Các nhà khoa học nhiều nước trên thế giới quy tụ về IUH tham dự hội nghị
GS.TS. Lê Văn Tán – Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM phát biểu khai mạc Hội nghị
Phát biểu tại Lễ Khai mạc, GS.TS Lê Văn Tán, nhấn mạnh: “Hội nghị quốc tế lần thứ 7 MAMM 2024 tập trung vào chủ đề vi cảm biến, vi cơ điện tử (MEMS), vi điều khiển, vi kết cấu, vật liệu thông minh, thiết bị y sinh và các ngành kỹ thuật liên quan. Đây là vấn đề có tính cấp thiết hiện nay trên thế giới và cũng như ở Việt Nam. Kết quả trao đổi tại hội nghị sẽ mang lại những đóng góp tri thức có giá trị không chỉ trong nghiên cứu mà còn trong thực tiễn ứng dụng. Đây cũng là dịp để các nhà khoa học ở nhiều lĩnh vực không những có thể trao đổi về ý tưởng và ứng dụng mới, mà còn mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới cho các dự án trong tương lai”.
PGS.TS. Trần Minh Triết – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự Nhiên TP. HCM phát biểu tại Hội nghị
Hội nghị Khoa học Quốc tế lần thứ 7 với chủ đề “Vi cơ kỹ thuật, cảm biến và cơ cấu chấp hành” đã tập trung trao đổi, thảo luận và trình bày về vi cơ điện tử (MEMS), vi điều khiển, vi kết cấu có kích thước micro/nano, những thành tựu mới của khoa học và công nghệ vật liệu ứng dụng trong nhiều lĩnh vực. Sau phiên khai mạc toàn thể, có 72 bài báo cáo của các tác giả được tuyển chọn từ hơn 150 bài toàn văn gởi đến tham dự Hội nghị.
GS.TS. Ashok Kumar Pandey - Viện Công nghệ Hyderabad, Ấn Độ, đồng thời cũng là chủ tịch tiểu ban Vi kỹ thuật của tổ chức IFToMM phát biểu tại Hội nghị.
Tại phiên toàn thể, Hội nghị đã được lắng nghe 05 bài báo cáo từ các giáo sư đầu ngành trên thế giới liên quan đến các chủ đề của hội nghị:
Báo cáo 1: Thiết kế kiểu cầu đòn bẩy cho cơ cấu mềm khuếch đại dịch chuyển của máy đo gia tốc MEMS (Lever-bridge type design of compliant displacement amplifier for MEMS accelerometer) của Giáo sư Ashok Kumar Pandey - Viện Công nghệ Hyderabad, Ấn Độ, đồng thời cũng là chủ tịch tiểu ban Vi kỹ thuật của tổ chức IFToMM
Báo cáo 2: Hệ thống micro dựa trên kỹ thuật nano cho đo lường và xử lý (Microsystems based on nanoengineering for sensing and processing) của Giáo sư Takahito Ono - Trường đại học Tohoku, Nhật Bản.
GS.TS. Takahito Ono-Trường đại học Tohoku, Nhật Bản trình bày báo cáo tại phiên toàn thể
Báo cáo 3: Thế mạnh chuỗi địa kinh tế bán dẫn: Chuỗi giá trị, chuỗi nhân tài và chuỗi tài chính (Semiconductor geo-economic chain strength: Value chain, talent chain and financial chain) của Tiến sĩ Edison Chen - Giám đốc điều hành liên minh các công ty Mỹ-Đài loan (CEO of Taiwan Eastbound Alliance – Landing America, Taiwan).
Tiến sĩ Edison Chen - Giám đốc điều hành liên minh các công ty Mỹ-Đài loan trình bày báo cáo tại phiên toàn thể
Báo cáo 4: Thiết kế và phân tích hệ thống cơ cấu mềm (Design and Analysis of Compliant Systems) của Giáo sư Lena Zetner - Đại học Kỹ thuật tổng hợp Ilmenau, CHLB Đức, đồng thời là thành viên tổ chức IFToMM
Giáo sư Lena Zetner - Đại học Kỹ thuật tổng hợp Ilmenau, CHLB Đức trình bày báo cáo tại phiên toàn thể
Báo cáo 5: Thiết kế phần cứng AI với xử lý bộ nhớ trong (AI hardware design with processing-in-memories) của Giáo sư Kyeong-Sik Min - Trường Đại học Kookmin, Hàn Quốc.
Giáo sư Kyeong-Sik Min - Trường Đại học Kookmin, Hàn Quốc trình bày báo cáo tại phiên toàn thể
Sau phiên tổng thể, các đại biểu tham dự Hội nghị sẽ được chia thành 09 phân ban chuyên môn và 01 phân ban Poster bao gồm: Cơ học cơ cấu mềm và cơ cấu chấp hành (Compliant mechanisms and actuators); Cơ điện tử và vấn đề điều khiển trong vi máy móc (Mechatronics and control issues in micromachines); Thiết bị vi cơ và Robot (Micromechanical Devices and Robotics); Vật liệu thông minh, siêu vật liệu cho hệ thống vi mô (Smart materials, Metamaterials for microsystems); Vi cơ điện tử (MEMS)-Cảm biến và Kỹ thuật Y sinh (MEMS-Sensors and Biomedical Engineering); Vật lý kỹ thuật, Chất bán dẫn và Thiết bị (Engineering Physics, Semiconductors and Devices); Công nghệ in 3D và 4D và kỹ thuật chế tạo vi mô (3D and 4D printings and microfabrication techniques); Thiết kế cơ khí, Sản xuất và Hệ thống (Mechanical design, Manufacturing and Systems); Phương pháp tính toán số và lý thuyết trong hệ thống vi mô (Computation and theoretical methods in microsystems).
Trong các phân ban chuyên môn, các đại biểu tham dự còn được lắng nghe các báo cáo chuyên sâu liên quan đến các chủ đề của phân ban từ các giáo sư khách mời đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ, cụ thể bao gồm: Giáo sư Dung An Wang- Trường Đại học Quốc gia Chung Hsing, Đài Loan (National Chung Hsing University, Taiwan); Giáo sư Philippe Talbot-Trường Đại học Bretagne Occidentale, Pháp (Université de Bretagne Occidentale, France); Giáo sư Himansu Sekhar Nanda-Viện Công nghệ thông tin, Thiết kế và Sản xuất Ấn Độ; Giáo sư Masaya Toda - Trường Đại học Tohoku, Nhật bản.
Các báo cáo đã nhận được nhiều đóng góp quý báu và thảo luận sôi nổi của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học. Đã có 22 báo cáo Poster được trình bày tại Hội nghị. Phần lớn Poster có nội dung khoa học cao, súc tích, hình thức trình bày rõ ràng, đẹp mắt. Trên tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm và công tâm. Ban tổ chức đã thảo luận, thống nhất lựa chọn và quyết định trao giải cho các hạng mục: 11 báo cáo trình bày xuất sắc nhất và 02 Poster xuất sắc nhất.
Phát biểu tại Lễ bế mạc hội nghị MAMM2024, PGS.TS Đàm Sao Mai, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cũng đã nhấn mạnh: “Hội nghị đã kết thúc thành công tốt đẹp với sự trao đổi học thuật giữa các chuyên gia hàng đầu nhằm thúc đẩy cơ hội hợp tác và trao đổi học thuật, phát triển chuyên môn trong các lĩnh vực liên quan đến vi cơ điện tử (MEMS), vi điều khiển, vi kết cấu, vật liệu thông minh và đặc biệt thảo luận chuyên sâu về công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam và thế giới”.
PGS.TS. Đàm Sao Mai – Phó Hiệu trưởng Đại học Công nghiệp TP. HCM phát biểu tại lễ bế mạc
Tại buổi lễ bế mạc hội nghị cũng đã công bố nơi đăng cai kế tiếp cho hội nghị khoa học quốc tế lần thứ 8-MAMM2026 tại Đài Loan.
Một số hình ảnh của Hội nghị: