Phòng thí nghiệm nhà máy thông minh 4.0: Đáp ứng nguồn lực chuyên gia kỹ thuật số của Việt Nam 16-08-2019
Nguồn: Báo Công Thương
Trường đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh (IUH) sẽ là trường đi đầu trong việc thúc đẩy tầm nhìn về một nền sản xuất - chế tạo thông minh. Với sự hỗ trợ từ Phòng thí nghiệm nhà máy thông minh ứng dụng công nghiệp 4.0 của IUH, sự thiếu hụt về nguồn nhân lực chuyên gia cho kỹ thuật số của Việt Nam sẽ được đáp ứng.
Thông tin được ông Alex Teo - Phó Chủ tịch, Giám đốc điều hành Siemens Đông Nam Á, Phần mềm công nghiệp số - nhấn mạnh tại lễ khánh thành Phòng thí nghiệm nhà máy thông minh ứng dụng công nghiệp 4.0, diễn ra chiều ngày 15/8, tại IUH.
Ông Alex Teo - Phó Chủ tịch - Giám đốc điều hành Siemens Đông Nam Á, Phần mềm công nghiệp số phát biểu tại buổi lễ
Dự án Phòng thí nghiệm nhà máy thông minh ứng dụng công nghiệp 4.0 được triển khai trên cơ sở hợp tác giữa trường và Tập đoàn Siemens (Đức) về chuyển giao máy móc thiết bị phần cứng - phần mềm, tập huấn cho cán bộ giảng viên của trường. Tổng vốn đầu tư của dự án là hơn 4,6 triệu USD.
Trong đó phần tài trợ của Siemens là hơn 3,9 triệu USD cho máy móc thiết bị cùng công nghệ, giáo trình đào tạo, tài trợ 300 bản phần mềm SolidEgd, 3D CAD. Phần còn lại được đối ứng từ ngân sách của nhà trường. Ngoài ra, dự án còn được Đại học Bang Arizona (Mỹ) tư vấn xây dựng chương trình và kiểm định theo chuẩn ABET.
TS. Nguyễn Thiên Tuế - Hiệu trưởng Trường đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh - phát biểu tại buổi lễ
TS. Nguyễn Thiên Tuế - Hiệu trưởng IUH - cho biết, việc ứng dụng công nghiệp 4.0 vào các trường đại học hiện còn hạn chế, sinh viên (SV) chưa được tham gia các khóa học để được trang bị các kiến thức cần thiết để phục vụ công việc sau khi ra trường đáp ứng theo yêu cầu công nghiệp 4.0. Do đó IUH đã chủ động đi tiên phong trong việc ứng dụng công nghiệp 4.0 vào giảng dạy. Chương trình đào tạo của dự án sẽ cung cấp cho sinh viên những kiến thức tổng quan về công nghiệp 4.0 trước yêu cầu cấp thiết của xã hội. Đồng thời, giúp SV có khả năng phân tích, thiết kế, mô phỏng, sản xuất tự động hoá ứng dụng công nghệ 4.0; có khả năng phân tích, thiết kế hệ thống giám sát và điều khiển công nghiệp ứng dụng công nghiệp 4.0 tích hợp IoT.
Bên cạnh đó, chương trình này còn giúp SV có kỹ năng về quản trị doanh nghiệp, bao gồm chuỗi sản xuất, cung ứng, bán hàng, dịch vụ thông qua các ứng dụng được phát triển trên nền tảng điện toán đám mây nhằm đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường như hiện nay.
Các đại biểu cắt băng khánh thành Phòng thí nghiệm nhà máy thông minh ứng dụng công nghiệp 4.0
Mục tiêu chung của dự án là tập trung phát triển mô hình phòng thí nghiệm nhà máy thông minh, để bổ sung nâng cao kiến thức và kỹ năng thực nghiệm cho SV ngành kỹ thuật trong việc ứng dụng công nghiệp 4.0 vào các hoạt động sản xuất thực tiễn. Theo tiến độ dự kiến, hàng năm dự án sẽ thực hiện việc đào tạo cho khoảng 1.000 sinh viên Khoa Công nghệ cơ khí, 400 SV Khoa Công nghệ điện, 300 SV Khoa Công nghệ điện tử, 500 SV Khoa Công nghệ thông tin.
“Việc thực hiện dự án đã góp phần tăng cường cơ sở vật chất và trang thiết bị công nghệ cho 4 khoa để góp phần hướng tới đạt tiêu chuẩn đánh giá ABET và AUN-QA trong thời gian tới” - TS. Nguyễn Thiên Tuế nhấn mạnh.
Ban giám hiệu IUH cùng các chuyên gia tham quan Phòng thí nghiệm nhà máy thông minh
Ngoài ra, dự án còn triển khai đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ kỹ thuật cho các doanh nghiệp sản xuất và tự động hóa trong nước tiếp cận các mạng công nghiệp 4.0.
Ông Alex Teo cho biết thêm, Phòng thí nghiệm nhà máy thông minh ứng dụng công nghiệp 4.0 sẽ đào tạo và cung cấp các chuyên gia cần thiết cho nền kinh tế kỹ thuật số đang hiện hữu của Việt Nam. Đặc biệt, với sự tập trung vào các kỹ năng thực hành nhiều hơn lý thuyết, các sinh viên của IUH sẽ được đào tạo, sử dụng các bản sao kỹ thuật số của Siemens cho các sản phẩm, quá trình sản xuất và thực hiện nhằm tối đa hóa chuỗi giá trị chế tạo.
Sinh viên IUH thực hành tại Phòng thí nghiệm nhà máy thông minh ứng dụng công nghiệp 4.0
“IUH sẽ là trường đi đầu trong việc thúc đẩy tầm nhìn về một nền sản xuất - chế tạo thông minh. Đặc biệt, Phòng thí nghiệm mô phỏng nhà máy thông minh này hướng đến một tầm nhìn mới và đáp ứng được kỳ vọng Chương trình Made in Vietnam 4.0 của Chính phủ Việt Nam” - ông Alex Teo nhấn mạnh.
Thanh Minh
Các bài viết khác:
- Báo Tuổi trẻ: 'Nhà máy thông minh' trong trường đại học
- Báo Sài Gòn Giải Phóng: Đầu tư hơn 4,6 triệu USD cho Phòng thí nghiệm nhà máy thông minh
Tin thời sự:
- HTV9: IUH khánh thành giai đoạn 1 Dự án Nhà máy thông minh ứng dụng công nghệ 4.0