'Nhà máy thông minh' trong trường đại học 16-08-2019
Nguồn: Tuổi trẻ
TTO - Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM vừa khánh thành giai đoạn 1 dự án 'Nhà máy thông minh ứng dụng công nghệ 4.0' dành cho các khoa thuộc khối ngành kỹ thuật. Dự án giúp sinh viên có trải nghiệm ngay khi còn ngồi trên ghế giảng đường.
Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM khánh thành giai đoạn 1 dự án "Phòng thí nghiệm nhà máy thông minh ứng dụng công nghiệp 4.0" chiều 15-8 - Ảnh: TRẦN HUỲNH
Bên cạnh nhà máy độc đáo này, trường còn đầu tư hàng chục phòng thí nghiệm, xưởng thực hành hiện đại, mà ấn tượng nhất phải kể đến là Trung tâm mô phỏng kế toán - kiểm toán, Trung tâm mô phỏng quản trị kinh doanh.
Chuẩn bị kỹ năng 4.0
Dự án xây dựng "Nhà máy thông minh ứng dụng công nghiệp 4.0" cung cấp nguồn nhân lực chuyên gia trong các lĩnh vực kỹ thuật cơ khí, điện, điện tử và công nghệ thông tin, là một trong nhiều dự án Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM đang hợp tác với doanh nghiệp.
Dự án này được Tập đoàn Siemens (Đức) cung cấp trang thiết bị, công nghệ, giáo trình đào tạo tổng giá trị gần 4 triệu USD, tài trợ 300 bản phần mềm SolidEgd, 3D CAD với giá trị thương mại lên đến 9 triệu USD và phần còn lại khoảng 750.000 USD từ kinh phí của trường.
"Mục tiêu chung của dự án là phát triển mô hình phòng thí nghiệm nhà máy thông minh để bổ sung, nâng cao kiến thức và kỹ năng thực nghiệm cho sinh viên kỹ thuật trong việc ứng dụng công nghiệp 4.0 vào các hoạt động sản xuất thực tiễn. Đây là cơ hội trải nghiệm hết sức quý báu cho sinh viên ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường" - TS Phan Hồng Hải, phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết.
Ngày 15-8, dự án đã khánh thành giai đoạn 1 và sẽ chính thức hoạt động từ năm 2020. Hằng năm, dự án sẽ đào tạo cho khoảng 1.000 sinh viên khoa cơ khí, 400 sinh viên khoa điện, 300 sinh viên khoa điện tử, 500 sinh viên khoa công nghệ thông tin.
TS Nguyễn Viễn Quốc - trưởng bộ môn cơ điện tử - nhận định: "Hiện nay việc ứng dụng công nghiệp 4.0 vào các trường còn hạn chế, sinh viên chưa được trang bị kiến thức thực tế, kỹ năng cần thiết để phục vụ công việc sau khi ra trường. Khi có dự án này, không chỉ sinh viên mà cả giảng viên tại các khoa cũng được đào tạo và học hỏi các công nghệ mới".
Sinh viên trải nghiệm "công ty đa quốc gia"
Trung tâm mô phỏng kế toán - kiểm toán của trường hoạt động từ năm 2013, nhằm giúp sinh viên sớm tiếp cận thực tế công việc chuyên môn đang học.
TS Nguyễn Thị Thu Hiền, trưởng khoa kế toán - kiểm toán, cho biết lần nâng cấp này nhà trường đã trang bị thêm cho trung tâm các thiết bị rất hiện đại với hệ thống server tốc độ cao, trang thiết bị văn phòng hiện đại như máy tính, máy fax, máy photocopy, đường truyền tốc độ cao đủ tiêu chuẩn giảng dạy online cho hơn 3.000 sinh viên.
Các sinh viên chuyên ngành này đều được tiếp cận với phần mềm kế toán - kiểm toán, phần mềm HTKK hỗ trợ khai báo thuế, phần mềm phân tích dữ liệu và các công cụ kiểm toán tiên tiến nhất hiện nay.
"Điểm nổi bật nhất của Trung tâm mô phỏng kế toán - kiểm toán là tạo ra không gian tương tự văn phòng làm việc của các công ty đa quốc gia, với việc mô phỏng nhiều chức danh nghề nghiệp khác nhau. Đây là điều các trung tâm mô phỏng trước đây chưa làm được" - bà Hiền chia sẻ.
Trong khi đó, Trung tâm mô phỏng quản trị kinh doanh của trường là một trong số trung tâm đầu tiên trong cả nước hoạt động từ tháng 6-2019. Trung tâm được thiết kế ấn tượng, mô phỏng văn phòng làm việc của các tập đoàn lớn với hệ thống máy tính kết nối tốc độ cao, khu phòng họp, phòng trình chiếu…
Việc sử dụng phần mềm quản lý doanh nghiệp ERP để vận hành tại trung tâm giúp sinh viên có thể ứng dụng kiến thức chuyên môn, vừa học cách giải quyết vấn đề, phát triển nhiều kỹ năng mềm cần thiết, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý công việc.
Bạn Kiều Thị Thùy Dung - sinh viên khoa quản trị kinh doanh - cho hay: "Nếu chỉ học lý thuyết, chúng tôi sẽ khó hình dung áp dụng các kiến thức được học vào công việc thực tế, nhưng phần mềm này đã tạo ra quy trình làm việc tự động của một doanh nghiệp, cho phép thành lập hệ thống doanh nghiệp phức tạp với đầy đủ chức năng như kế toán, bán hàng, hàng tồn kho, nguồn nhân lực, lập kế hoạch và sản xuất".