Hội thảo khoa học quốc tế về "Gió và kết cấu" 2018 – WaS 2018 22-05-2018
Ngày 15/5/2018, Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM (IUH) cùng với sự hỗ trợ của Hoàng gia Anh tổ chức Hội thảo khoa học "Gió và kết cấu" (WaS 2018).
Các nhà khoa học tại hội thảo
Hội thảo này là một trong chuỗi sự kiện thuộc dự án nghiên cứu về cải thiện khả năng chống chịu gió bão của các công trình xây dựng ở Việt Nam. Dự án là sự hợp tác giữa 3 trường gồm Đại học Nottingham - Anh Quốc, Đại học Việt-Đức và Đại học Công nghiệp TP.HCM.
Trước đó, vào ngày 12/5/2018 tại Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng đã diễn ra workshop về "Cải thiện khả năng chống chịu của kết cấu hạ tầng trong điều kiện gió bão ở Việt Nam" phối hợp với Đại học Công nghiệp TP.HCM và Đại học Việt-Đức đồng tổ chức. Ngoài các nhà khoa học, workshop này có sự tham gia của đại diện lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, các Sở, Ban ngành từ các tỉnh lân cận, nơi thường xuyên chịu thiệt hại do bão … đến tham dự và trình bày tham luận trong việc tìm cách cải thiện khả năng chống chịu với những tác động của gió bão gây ra đối với nhà cửa, cơ sở hạ tầng ở Việt Nam.
Nhóm nghiên cứu trả lời các câu hỏi của khách tham dự workshop ngày 12/5/2018
Hội thảo WaS 2018 quy tụ hơn 70 người đến từ các trường đại học, trung tâm nghiên cứu, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham dự. Đặc biệt, trong đó có các nhà khoa học có uy tín đến tham dự như GS. John Owen (cựu Chủ tịch Hội kỹ thuật Gió Vương quốc Anh), TS. Joerg Franke (cựu Chủ tịch Hội đồng Kỹ thuật tính toán về gió của Đức), GS. Chii-Ming Cheng (cựu Chủ tịch Hội Kỹ thuật Gió Đài Loan) cùng các nhà khoa học khác đến từ nhiều nước trên thế giới như Anh, Đức, Đài Loan, Iraq …
GS Owen trình bày tham luận
GS Cheng trình bày tham luận
Các nhà khoa học và kỹ sư đã nêu lên những thách thức và cấp bách hiện nay trong lĩnh vực Kỹ thuật xây dựng và Kỹ thuật Gió, đặc biệt những công trình chịu tác động bởi gió bão. Những thách thức này càng trở nên cấp bách hơn ở Việt Nam, nơi thường xuyên chịu gió bão và ngày càng có nhiều nhà cao tầng, cầu nhịp lớn được xây dựng, dẫn đến việc thiết kế kết cấu chống gió và khả năng chống chịu gió bão trở nên ngày càng quan trọng. Những hướng giải quyết cũng đã được bàn luận sôi nổi trong thời gian diễn ra tham luận cũng như giờ giải lao.
Các đại biểu trình bày báo cáo và tham gia trao đổi tại hội thảo
Ngoài các vấn đề trong nghiên cứu và thực tiễn liên quan đến chủ đề hội thảo, những cơ hội hợp tác trong nghiên cứu, giáo dục, chuyển giao khoa học cộng nghệ giữa các chuyên gia, khoa, viện, trường đại học và các doanh nghiệp cũng đã được mở ra. Cụ thể: Trường Đại học Nottingham sẽ hỗ trợ các nhà khoa học Việt Nam thực tập nghiên cứu ngắn hạn tại Anh và hợp tác xin tài trợ từ các quỹ nghiên cứu do phía Anh tài trợ (Quỹ Newton, quỹ Thách thức toàn cầu, chương trình liên kết cơ sở đào tạo …); các giáo sư Đài Loan đồng ý nhận hướng dẫn (có học bổng) cho 1 NCS của Khoa Kỹ thuật Xây dựng (IUH); Khoa Kỹ thuật Xây dựng (IUH) sẽ hợp tác với NDA Group và Trung tâm Khí động lực học Cheetah (Đài Loan) để nghiên cứu vấn đề bảo tồn đồi cát ở Mũi Dinh (Ninh Thuận) trong điều kiện chịu gió mạnh và có các công trình xây dựng xung quanh …
Hội nghị kết thúc thành công với sự đánh giá cao và khen ngợi từ các nhà khoa học nước ngoài cùng với các đơn vị ngoài trường về chất lượng của các báo cáo khoa học, sự chuẩn bị chu đáo và đón tiếp nồng nhiệt của đơn vị chủ trì.
Tin và ảnh: Tổ truyền thông