ICCSS 2025 và SSPS 2025: Hai hội nghị khoa học quốc tế quy tụ hơn 400 đại biểu tại IUH 19-05-2025
Từ ngày 16–18/5/2025, khoa Công nghệ Điện tử, Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh (IUH) là đơn vị chuyên môn tổ chức Hội nghị Quốc tế lần thứ 8 về Mạch, Hệ thống và Mô phỏng (ICCSS 2025) và Hội nghị Quốc tế lần thứ 7 về Hệ thống Xử lý Tín hiệu (SSPS 2025).
Hội nghị quy tu nhiều nhà khoa học uy tín trên thế giới
Hai hội nghị chuyên ngành được tổ chức định kỳ này đã quy tụ các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong các lĩnh vực: Điện tử, Vi mạch, Xử lý tín hiệu, AI và Máy tính lượng tử. Mục tiêu của hội nghị là tạo ra một diễn đàn học thuật chuyên sâu, kết nối cộng đồng khoa học trong nước và quốc tế, đồng thời thúc đẩy các cơ hội hợp tác nghiên cứu liên ngành.
Tham dự hội nghị, có: PGS.TS. Đàm Sao Mai – Phó Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS. Trịnh Ngọc Nam – Trưởng phòng Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế; TS. Lê Ngọc Sơn – Viện trưởng Viện Đào tạo Quốc tế và Sau đại học; PGS.TS. Mai Thăng Long – Trưởng Khoa Công nghệ Điện tử cùng các lãnh đạo khoa/viện, giảng viên, nhà khoa học, diễn giả uy tín hàng đầu thế giới.
Sự kiện đã chào đón hơn 400 đại biểu, trong đó có các tác giả và nhà khoa học đến từ nhiều quốc gia như: Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Kazakhstan, Ả Rập Xê Út và Đài Loan. Đây là minh chứng cho uy tín ngày càng tăng của IUH trong vai trò đơn vị tổ chức các hội nghị khoa học quốc tế.
Năm nay, Ban Tổ chức đã tiếp nhận 108 bài báo khoa học, trong đó 46 bài được chọn trình bày tại hội nghị. Các bài báo được chọn tại ICCSS 2025 sẽ được xuất bản trên IEEE Xplore, đồng thời được chỉ mục bởi EI Compendex và Scopus. Các bài tại SSPS 2025 sẽ được xuất bản trong chuỗi sách Lecture Notes in Electrical Engineering (Springer) và được chỉ mục bởi EI Compendex, Scopus, INSPEC và SCImago.
Hội nghị diễn ra với phiên toàn thể cùng các báo cáo chính từ các diễn giả quốc tế hàng đầu, tập trung vào những xu hướng công nghệ cốt lõi như: điện tử tích hợp, thiết kế vi mạch, máy tính lượng tử và ứng dụng AI. Bên cạnh đó, hội nghị còn có 06 phiên báo cáo chuyên đề song song, xoay quanh các chủ đề chuyên sâu như:
- Thiết kế kết cấu và mô phỏng hệ thống của thiết bị điện tử số
- Truyền dữ liệu và phân tích an ninh trong hệ thống thông tin và tín hiệu
- Vi ba và công nghệ tần số vô tuyến
- Phân tích và xử lý ảnh
- Hệ thống và mạng truyền thông tương lai
- Chẩn đoán lỗi và phân tích độ tin cậy trong hệ thống vi điện tử
Giáo sư Amara AMARA, Cựu Chủ tịch IEEE CASS, Viện Sáng tạo Quốc tế Hàng Châu, Đại học Hàng không Vũ trụ Bắc Kinh (Beihang), Trung Quốc diễn giả chính hội nghị
Giáo sư Andrei Vladimirescu, IEEE Fellow, Đại học California, Hoa Kỳ diễn giả chính hội nghị
Giáo sư Chua-Chin Wang, Chủ tịch Hội IEEE Circuits and Systems Society (CAS-S), Chi hội Taiwan, Đại học Quốc gia Sun Yat-Sen, Đài Loan diễn giả chính hội nghị
Giáo sư Lê Trọng Thụy, Đại học Bang San José, California, Hoa Kỳ diễn giả chính hội nghị
Phó Giáo sư Sylvain Eimer, Đại học Hàng không Vũ trụ Bắc Kinh (Đại học Beihang), Trung Quốc diễn giả chính hội nghị
Giáo sư Lê Tiến Thường, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chủ tịch chương trình Hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS. Đàm Sao Mai – Phó Hiệu trưởng IUH khẳng định:“Là một trường đại học đa ngành, IUH luôn tiên phong trong nghiên cứu và đào tạo thuộc Bộ Công Thương. Việc đăng cai tổ chức thành công các hội nghị quốc tế như ICCSS và SSPS góp phần nâng cao vị thế và uy tín học thuật của nhà trường không chỉ tại Việt Nam mà còn ở giáo dục toàn cầu”.
Đại diện IUH, PGS. TS. Đàm Sao Mai – Phó Hiệu trưởng nhà trường trao tặng thư cảm ơn đến các diễn giả chính Hội nghị
Hội nghị khép lại thành công tốt đẹp, mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới và lan tỏa tri thức đến cộng đồng khoa học quốc tế. Những trao đổi chuyên sâu và kết nối học thuật tại sự kiện chính là bước đệm vững chắc để thúc đẩy các công trình nghiên cứu có tính ứng dụng cao trong bối cảnh phát triển công nghệ hiện nay.