Hội thảo công nghệ sấy hiện đại tại Khoa Công nghệ Nhiệt Lạnh - IUH 05-12-2024
Ngày 29/11/2024, tại hội trường E3.2, Đại học Công nghiệp TP.HCM (IUH) đã diễn ra chương trình hội thảo “Công nghệ sấy hiện đại theo xu hướng tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững”. Chương trình có sự phối hợp giữa Khoa Công nghệ Nhiệt lạnh – IUH (FHRE), Trường Đại học Công nghệ Thực phẩm Plovdiv và Công ty cổ phần Kỹ nghệ Xanh Việt Nam thực hiện.
Công nghệ sấy hiện đại ngày nay sẽ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải CO2 và hướng đến phát triển bền vững. Các doanh nghiệp, nhà khoa học đang rất quan tâm đến đến chủ đề này trong nghiên cứu ứng dụng nhằm giúp sinh viên cập nhật kiến thức chuyên ngành đang theo học. Khoa CNNL phối hợp cùng giáo sư Trường Đại học Công nghệ Thực phẩm Plovdiv và Công ty cổ phần Kỹ nghệ Xanh Việt Nam tổ chức hội thảo “Công nghệ sấy hiện đại theo xu hướng tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững”.
Chương trình hội thảo có sự tham gia của các diễn giả chính: GS. Todor Djourkov – Trường Đại học Công nghệ Thực phẩm Plovdiv, Bulgaria; ThS. Phạm Hữu Tâm – CEO Công ty Kỹ nghệ Xanh Việt Nam; TS. Phạm Quang Phú - Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật Nhiệt - FHRE, toàn thể cán bộ giảng viên của Khoa và hơn 100 sinh viên chuyên ngành kỹ thuật nhiệt.
Tập thể khoa Công nghê Nhiệt – Lạnh, các báo cáo viên và sinh viên khoa Công nghệ Nhiệt – Lạnh
Phát biểu chào mừng, PGS.TS Nguyễn Minh Phú nhấn mạnh tầm quan trọng của hội thảo: “Đây là cơ hội trao đổi chuyên môn sâu trong lĩnh vực Kỹ thuật Nhiệt, Năng lượng và giao lưu hợp tác doanh nghiệp, hợp tác quốc tế giữa Giảng viên Khoa CN Nhiệt Lạnh với Doanh nghiệp, Giảng viên nước ngoài, mở rộng kiến thức chuyên môn trong học phần Kỹ thuật sấy và phục vụ cho công tác kiểm định, đánh giá chất lượng đào tạo ngành Công nghệ kỹ thuật Nhiệt và Công nghệ kỹ thuật Năng lượng”.
Thông qua hội thảo để thúc đẩy hơn nữa hoạt động nghiên cứu khoa học của đội ngũ cán bộ giảng viên trong Khoa. Ngoài ra, hội thảo sẽ giúp giảng viên, sinh viên và người tham dự tiếp cận với các công nghệ sấy thực tiễn mà doanh nghiệp trong nước và các nhà nghiên cứu nước ngoài đang hướng đến theo xu hướng tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững.
PGS.TS Nguyễn Minh Phú, (Phó Trưởng khoa FHRE) phát biểu khai mạc
Hội thảo bao gồm 3 báo cáo với các chủ đề cụ thể sau:
Chủ đề 1: Giải pháp sấy hiện đại giúp nâng cao giá trị sản phẩm và giảm phát thải CO2
Người trình bày báo cáo là ThS. Phạm Hữu Tâm – CEO Công ty Kỹ nghệ Xanh Việt Nam, anh là cựu sinh viên của Khoa và cũng là người có trên 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kỹ thuật sấy. Trong hội thảo anh đã chia sẻ cơ hội và tiềm năng phát triển lĩnh vực sấy tại Việt Nam, đề xuất được những giải pháp và định hướng phát triển bền vững ngành sấy trong xu thế toàn cầu về tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính.
ThS. Phạm Hữu Tâm, (CEO Công ty Kỹ nghệ Xanh) trình bày tại hội thảo
Chủ đề 2: Thiết kế máy sấy tầng sôi xung khí kiểu mẻ
GS. Todor Djourkov đến từ Trường Đại học Công nghệ Thực phẩm Plovdiv, Bulgaria, là giảng viên nước ngoài hợp tác với Khoa trong các hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực kỹ thuật sấy. Trong hội thảo giáo sư đã trình bày về tầm quan trọng của kỹ thuật sấy, sự phát triển của các công nghệ sấy tầng sôi hiện đại, đề xuất được những giải pháp về kỹ thuật sấy tầng sôi xung khí nhằm tiết kiệm năng lượng và đồng thời hỗ trợ giảng viên, sinh viên trong các công việc liên quan đến tính toán, thiết kế các dạng thiết bị sấy này.
GS. Todor Djourkov, (Trường Đại học Công nghệ Thực phẩm Plovdiv, Bulgaria) trình bày tại hội thảo
Chủ đề 3: Kỹ thuật sấy vật liệu rời bằng phương pháp tầng sôi xung khí hướng đến tiết kiệm năng lượng
Đây cũng là lĩnh vực nghiên cứu mà TS. Phạm Quang Phú - Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật Nhiệt (FHRE-IUH) theo đuổi trong nhiều năm vừa qua, do đó tại hội thảo, các vấn đề về cải tiến thiết bị sấy tầng sôi theo hướng cấp khí gián đoạn (xung khí) cũng đã được làm sáng tỏ. Đồng thời, báo cáo cũng đánh giá được tiềm năng phát triển các dạng máy sấy tầng sôi xung khí quy mô công nghiệp giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và tiết kiệm năng lượng.
TS. Phạm Quang Phú, (Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật Nhiệt, FHRE-IUH) trình bày tại hội thảo
Hội thảo sẽ khuyến khích việc nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên trong Khoa Công nghệ Nhiệt Lạnh, là dịp để Doanh nghiệp trong ngành Công nghệ Kỹ thuật Nhiệt và Kỹ thuật Năng lượng lượng chia sẻ ứng dụng và tiềm năng của ngành đến sinh viên và cũng là cơ hội để Giảng viên nước ngoài là Giáo sư với trình độ chuyên môn cao sẽ trực tiếp thảo luận về công nghệ sấy mới, trực tiếp hướng dẫn tính toán, thiết kế các loại thiết bị sấy hiện đại.
Một số hình ảnh tại hội thảo: