Hội nghị Khoa học trẻ IUH Lần 1/2019: Ươm mầm cho đam mê nghiên cứu khoa học 24-08-2019

Nguồn: Báo Tiền Phong

Ngày 24/8, tại Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM (IUH) đã diễn ra phiên khai mạc của Hội nghị Khoa học trẻ IUH - Lần 1/2019 với sự tham gia của hơn 500 đại biểu là quý thầy trong Đảng ủy - Ban giám hiệu, các thầy cô cố vấn chuyên môn, trưởng - phó các đơn vị đào tạo và các gần sinh viên, nhà nghiên cứu trẻ.

Toàn cảnh Hội nghị Khoa học trẻ IUH - Lần 1

Với chủ đề “Kết nối, Hội nhập và Phát triển”, Hội nghị khoa học trẻ lần 1 – 2019 được IUH tổ chức với mong muốn thúc đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học trong học viên, sinh viên và cán bộ giảng viên trẻ, phát triển các sản phẩm khoa học công nghệ có tính ứng dụng cao, phục vụ nhu cầu của xã hội trong giai đoạn hiện nay. Đây cũng là sân chơi giao lưu và học hỏi, tăng cường sự kết nối, chia sẻ kiến thức giữa các nhà khoa học trẻ về tác động của hội nhập và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến các nhóm ngành mà trường đào tạo.

Bắt đầu triển khai từ 15/3/2019, sau hơn 4 tháng thực hiện, Ban tổ chức đã nhận được 131 bài gửi về tham dự hội nghị, trong đó có 110 bài được lựa chọn đăng kỷ yếu. Tổng số tác giả gửi bài là 332 người, trong đó có 92 giảng viên trẻ, 226 sinh viên, 8 học viên cao học, 3 sinh viên Quốc tế đang theo học trong diện trao đổi ngắn hạn tại trường và 3 sinh viên trường khác cùng tham gia trong các nhóm nghiên cứu. Hội nghị cũng lựa chọn ra 60 poster để trưng bày tại khu vực Nhà văn hóa sinh viên và Sảnh nhà H trong ngày 22-24/8/2019 cho đông đảo giảng viên và sinh viên trường tham quan. Ban cố vấn chuyên môn đã tiến hành chấm và chọn ra 06 poster xuất sắc nhất để trao giải trong phiên khai mạc.

Phát biểu tại lễ khai mạc, TS. Nguyễn Chí Hiếu – Phó hiệu trưởng nhà trường bày tỏ sự vui mừng trước kết quả bước đầu của hội nghị với sự tham gia đầy đủ của tất cả các đơn vị đào tạo trong trường. “Nghiên cứu khoa học là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các trường đại học. Do đó, trường đại học phải là nơi nuôi dưỡng cho các ý tưởng, hỗ trợ cho nghiên cứu thành công và chuyển giao được kết quả vào thực tiễn”, TS. Nguyễn Chí Hiếu nhấn mạnh. 

Các dự án của sinh viên xuất sắc được ban tổ chức trao giải

Cũng trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu được nghe tham luận “Nghiên cứu khoa học sinh viên: phương pháp nghiên cứu và triển vọng nghề nghiệp” của TS Đỗ Đình Thuấn - Trưởng nhóm nghiên cứu Thông tin vô tuyến và xử lý tín hiệu – Trường Đại học Công nghiệp TPHCM và tham luận: “Vận hành kỹ thuật số trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”  của anh Phạm Tấn Phúc – Nhà sáng lập Gcall.

Đánh giá chung từ hội đồng cố vấn chuyên môn, chất lượng bài tham dự là rất tốt, có nhiều hướng nghiên cứu mới có thể tiếp tục phát triển thêm. Đặc biệt trong số đó, có rất nhiều bài đủ điều kiện để gửi đăng các Tạp chí Khoa học Công nghệ. Việc có sinh viên quốc tế cùng tham gia thực hiện nghiên cứu chung với nhóm sinh viên trường cho thấy khoa học không hề có khoảng cách, và các đề tài nghiên cứu thuộc lĩnh vực kỹ thuật – công nghệ của trường đã tiệm cận với tốc độ phát triển của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Sau phiên khai mạc tổng thể, các tác giả sẽ trình bày tại hội đồng của các lĩnh vực Kinh tế, Kỹ thuật, Công nghệ thông tin, Hóa – Sinh – Môi trường và Khoa học xã hội.

P.V