Đại học khởi nghiệp đóng vai trò như thế nào trong phát triển kinh tế xã hội? 26-08-2023

Trường đại học tiên phong thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thông qua cung cấp nguồn nhân lực, thúc đẩy tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ…

Mô hình đại học khởi nghiệp xu hướng tất yếu

Ngày 25/8, tại TP. Hồ Chí Minh, diễn ra Hội thảo khoa học “Đại học khởi nghiệp - Vai trò, tác động đối với kinh tế, văn hóa và xã hội” do Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh tổ chức.


Đại biểu tham dự Hội thảo khoa học “Đại học khởi nghiệp - Vai trò, tác động đối với kinh tế, văn hoá và xã hội”

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Đàm Sao Mai - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh - khẳng định: Trường đại học với vai trò của mình, không chỉ là nơi thực hiện đào tạo con người, mà còn tiên phong thực hiện sứ mệnh thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thông qua cung cấp nguồn nhân lực, thúc đẩy sự phát triển của tri thức khoa học - kỹ thuật, chuyển giao tri thức khoa học, công nghệ từ nhà trường đến các tổ chức sản xuất, kinh doanh và xã hội.

Nhiều thành công về đổi mới sáng tạo khởi nghiệp ở các trường đại học trên thế giới đã cho thấy, các chương trình đào tạo khởi nghiệp dựa trên nền tảng công nghệ mới được xây dựng và triển khai sớm, sinh viên được đào tạo tinh thần khởi nghiệp và kỹ năng khởi nghiệp.

Đổi mới sáng tạo ở các trường đại học không chỉ với người học, giảng viên cũng được khuyến khích làm khởi nghiệp, trở thành doanh nhân, hình thành sự liên kết chặt chẽ giữa trường và các doanh nghiệp - ý tưởng và phát minh chuyển giao ra xã hội từ nhà trường và dòng lợi nhuận từ xã hội chảy về lại nhà trường. Các trường này luôn xem việc tạo điều kiện và thúc đẩy chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ thông qua đổi mới là sứ mệnh xã hội của mình.


PGS.TS. Đàm Sao Mai - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, phát biểu khai mạc hội thảo

Theo PGS.TS. Đàm Sao Mai, Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, thời gian qua, Nhà trường mạnh dạn đầu tư cho nghiên cứu phát triển thông qua các cơ chế chính sách hỗ trợ giảng viên sinh viên; tăng cường đào tạo kỹ năng đổi mới sáng tạo khởi nghiệp. Đồng thời thúc đẩy sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp, thương mại hoá các kết quả nghiên cứu của trường. Nhà trường cũng tăng cường mạng lưới liên kết doanh nghiệp, hợp tác nghiên cứu - phát triển giữa doanh nghiệp và Nhà trường. Qua đó, đào tạo các thế hệ sinh viên là những nhà khởi nghiệp, phấn đấu trở thành nhiều các trường đại học thế hệ thứ 3 - đại học khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như: MIT, Stanford, Cornell của Việt Nam và có nhiều các kỳ lân công nghệ đi ra từ các trường.

Cần hoàn thiện về thể chế pháp lý

Tại hội thảo, các diễn giả đã trình bày tham luận về giải pháp thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo từ trường đại học; vai trò của trường đại học khởi nghiệp đối với sự phát triển bền vững…


Đại biểu và chuyên gia thảo luận, chia sẻ về mô hình Đại học khởi nghiệp - đối với sự phát triển kinh tế, văn hoá và xã hội của đất nước

Đặc biệt, trong phần tọa đàm các chuyên gia, nhà khoa học cùng doanh nghiệp đã thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm những vấn đề xây dựng mô hình trường đại học khởi nghiệp. Đồng thời xác định rõ vị thế, vai trò và những tác động của trường đại học khởi nghiệp đối với sự phát triển kinh tế, văn hoá xã hội tại Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng trong bối cảnh hiện nay.

Chia sẻ về mô hình trường đại học khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, TS. Võ Trí Thành - Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Các Nhà Kinh tế - nhận định: Chuyển đổi từ đại học truyền thống sang đại học khởi nghiệp là bước tiến rất có ý nghĩa, nhất là trong phát triển giai đoạn mới của đất nước, đặc biệt như TP. Hồ Chí Minh.

Cách thức của sự phát triển đều dựa nhiều vào năng suất, đổi mới sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp, lực lượng doanh nhân với vai trò lực lượng xung kích tạo ra của cải vật chất và phát triển. Chính vì vậy, trong hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, bên cạnh doanh nghiệp, Nhà nước, thì vai trò của trường đại học và các viện nghiên cứu là rất quan trọng.


PGS.TS. Huỳnh Trung Hiếu - Phó Hiệu trưởng Hiệu trưởng phụ trách Trường đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh và ông Đặng Đức Thành - Chủ tịch tập đoàn Green + ký kết biên bản hợp tác thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ tại tọa đàm

Theo TS. Võ Trí Thành, trên thực tế nhiều trường đại học của Việt Nam đã bắt đầu có sự chuyển dịch, ví dụ như Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Ngoại thương hay Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, Đại học Nông Lâm. Những trường này đã có những bước đi, cách thức tổ chức cụ thể, có những đóng góp nhất định. Thế nhưng khái quát chung, sự chuyển dịch đó chưa thật sự bài bản, hệ thống và còn rất nhiều hạn chế.

Sự hạn chế này có nhiều thách thức hay nói rộng ra đây là công cuộc, sự nghiệp, thậm chí cuộc cách mạng lớn đối với trường đại họcđòi hỏi thay đổi từ nhận thức, tư duy của bản thân nhà trường cũng như tất cả các bên liên quan (nhà hoạch định chính sách, nhà lãnh đạo…).

Do đó, đòi hỏi cần thay đổi khuôn khổ pháp lý như nhìn nhận đối với vai trò của trường đại học như thế nào, cách thức hỗ trợ ra sao, tự chủ như thế nào. Mặt khác, bản thân các trường cũng phải có hệ thống, hệ sinh thái khởi nghiệp, trong đó cần phải cải tổ rất nhiều về tổ chức, cách đào tạo, giảng dạy, học tập, cách thức đánh giá chuẩn mực và xây dựng động lực cho thầy cô, sinh viên.

Trong khuôn khổ của tọa đàm, Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh và Tập đoàn Green+ ký kết thảo thuận hợp tác thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ giữa hai đơn vị.

Trường đại học là một cấu phần quan trọng, không thể thiếu trong hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Điều này đã được thể hiện trong các nội dung Đề án 844 "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" và Đề án 1665 "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025" của Chính phủ.

Theo Thanh Minh - Báo Công Thương