Sinh viên IUH khám phá TUT tại xứ sở mặt trời mọc 25-10-2024
Tiếp nối thành công trong hoạt động trao đổi sinh viên giữa Đại học Công nghiệp TP. HCM (IUH) và Đại học Công nghệ Tokyo (TUT) trong thời gian qua. Từ ngày 13/10 đến ngày 19/10/2024, đoàn IUH gồm 15 sinh viên và 01 giảng viên đã có những trải nghiệm tuyệt vời tại xứ sở mặt trời mọc Nhật Bản. Đi cùng đoàn còn có GS.TS. Hara Kenji - Chủ tịch Hội đồng Quốc tế, TUT. Mời bạn cùng xem hành trình của chúng tôi nhé!
Sau khi nhập cảnh tại sân bay Narita, chúng tôi được đón tiếp nồng nhiệt bởi một bạn cựu sinh viên IUH đang làm việc tại Nhật cùng các bạn sinh viên TUT. Đây cũng là lần đầu chúng tôi được trải nghiệm hệ thống tàu điện nổi tiếng tại Nhật Bản. Sau khi hoàn thành thủ tục nhận phòng tại ký túc xá tại TUT, chúng tôi được giới thiệu và hướng dẫn đến các trung tâm mua sắm, ăn uống xung quanh, trải nghiệm văn hóa và ẩm thực Nhật bản.
Sinh viên TUT chào đón đoàn sinh viên IUH tại sân bay Narita
Không khí buổi sáng đầu tiên tại Nhật bản trong lành mang theo hương thơm của những loài hoa, khiến chúng tôi cảm thấy tràn đầy năng lượng cho một ngày mới. Sau 10 phút di chuyển bằng xe buýt từ ký túc xá đến trường, TUT đã hiện ra trước mắt chúng tôi vô cùng rộng lớn và hiện đại.
Cổng chính vào Đại học Công nghệ Tokyo
Triển lãm quá trình hình thành và phát triển SDGs
Thật may mắn, trong chuyến đi này, chúng tôi có cơ hội tham gia lễ hội văn hóa dành cho sinh viên được tổ chức tại TUT. Trong đó có nội dung triển lãm về quá trình hình thành và phát triển Sustainable Development Goals (SDGs) (Mục tiêu phát triển bền vững).
Tòa nhà khác tại Đại học Công nghệ Tokyo
Bài giảng của GS.TS. Yasuyuki Egashira - Hiệu trưởng Trường Kỹ thuật
Sinh viên IUH trao đổi thông tin với Giáo sư
Cùng với sự kiện triển lãm về SDGs, chúng tôi đã tham gia buổi thuyết trình của thầy Yasuyuki Egashira. Thầy trình bày nội dung về biến đổi khí hậu, về bất bình đẳng xã hội như những thước phim chân thực. Chúng tôi nhận ra rằng, hành tinh này là ngôi nhà chung của chúng ta và mỗi hành động của chúng ta đều có thể tạo nên những thay đổi lớn lao. Lời giảng của giáo sư đã thắp lên trong chúng tôi ngọn lửa đam mê, khơi dậy ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng và xã hội.
Đoàn IUH chụp hình lưu niệm cùng GS. Egashira sau buổi thuyết giảng
Sau khi tham gia các hoạt động lễ hội trường, chúng tôi di chuyển đến JAXA - một trung tâm không gian hiện đại và bí ẩn. Tại đây, trưng bày rất nhiều thiết bị tối tân và không gian rộng lớn khiến chúng tôi bị choáng ngợp. Lần đầu tiên, chúng tôi được nhìn thấy những mô hình tàu vũ trụ đồ sộ, những bộ đồ phi hành gia sáng bóng được trưng bày trong các tủ kính. Chúng tôi như được chạm tay vào giấc mơ chinh phục vũ trụ của loài người. Những màn hình lớn chiếu những hình ảnh sống động về các hành tinh, ngôi sao và các thiên hà xa xôi khiến chúng tôi cảm thấy nhỏ bé nhưng tràn đầy cảm hứng.
Mô hình cấu tạo một phần bên trong của tên lửa vũ trụ
Các loại vệ tinh ngoài không gian đã được sử dụng
Hình ảnh thực tế 2 loại tên lửa vũ trụ
Buổi chiều, chúng tôi trở lại TUT để tham gia tọa đàm về “Thành công của phụ nữ trong khoa học và công nghệ”. Chúng tôi có dịp giao lưu với 03 cựu sinh viên tốt nghiệp từ TUT và làm việc trong công ty nổi tiếng tại Nhật bản.
Sinh viên IUH nêu câu hỏi trong buổi tọa đàm
Bước sang ngày thứ hai, chúng tôi di chuyển đến công ty Techlab. Techlab là công ty chuyên nghiên cứu và phát triển sản phẩm về nhựa gia cố bằng sợi carbon (Carbon Fiber Reinforced Plastics - CFRP). Tại đây, chúng tôi được trải nghiệm và đánh giá cách làm CFRP để hiểu sâu hơn về tính chất của nó như một nguyên liệu nâng cao.
Chúng tôi được tìm hiểu về độ dẫn nhiệt của CFRP với ông Tanida và giám đốc Ozaki. Chúng tôi được nghe giải thích và trải nghiệm về công nghệ tạo hình bề mặt gương quang học và sự phát triển của nó. Càng tìm hiểu, chúng tôi như được mở mang tầm mắt để bước ra thế giới, bởi đây đều là những nguyên liệu mới chưa được phổ biến ở Việt Nam.
Ảnh lưu niệm cùng Giám đốc và nhân viên công ty Techlab
Vào buổi chiều, cả đoàn được di chuyển bằng xe buýt đến trụ sở chính của của công ty Sankosha nằm ở phía tây Tokyo, Nhật Bản. Các bộ phận kỹ thuật, kỹ thuật điện, lắp ráp điện, chế tạo kim loại, sơn, lắp ráp chính, đóng gói và may của công ty đều có trụ sở tại đây.
Nhà xưởng đầu tiên chúng tôi được trải nghiệm là nhà xưởng về cơ khí, chế tạo và xử lý kim loại. Tiếp theo là nhà xưởng về xử lý bề mặt và sơn tĩnh điện cho các chi tiết máy, tiếp đến là nhà xưởng dành cho việc đánh giá chất lượng và thử nghiệm các thiết bị sau khi lắp ráp và cuối cùng là nhà xưởng về công đoạn may của công ty.
Chúng tôi nhận thấy công ty Sankosha có công nghệ rất tiên tiến và hiệu quả tốt, việc tổ chức công việc và vận hành các công xưởng rất an toàn và hợp lý, hầu hết các công việc nặng và nguy hiểm. Tại đây đều có máy móc thực hiện vừa chính xác vừa an toàn mà còn tiết kiệm sức người.
Giám đốc và nhân viên công ty Sankosha rất nhiệt tình và hiếu khách
Ngày thứ ba, chúng tôi di chuyển từ ga Hachioji Minamino đến khuôn viên Đại học Công nghệ Tokyo bằng xe buýt. Xe buýt TUT sử dụng pin nhiên liệu - loại xe sử dụng pin nhiên liệu hydro làm nguồn năng lượng cho các bánh xe dẫn động bằng điện. Khí thải duy nhất từ xe buýt là nước.
Xe sử dụng pin nhiên liệu hydro do Toyota tài trợ
Tại đây, chúng tôi tham gia buổi thuyết trình đặc biệt do GS.TS. Yutaka Kagawa - Chủ tịch TUT chủ trì. Buổi học cung cấp thông tin về ảnh hưởng xấu của vi sóng tới cơ thể con người và các cách để giảm hiểu tác hại nhờ vào việc phát triển các loại vật liệu mới.
Thầy Yutaka Kagawa và đoàn IUH
Chúng tôi tiếp tục được tham quan cơ sở R&D tại Trung tâm CMC – nơi có các cơ sở thực hành và nghiên cứu nổi bật của trường. Đây là cơ hội để sinh viên tìm hiểu cách Nhật Bản đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) để đạt các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).
Phòng Lab nghiên cứu về sức bền vật liệu
Sinh viên IUH tham dự tiết học của GS. Hara cùng các bạn TUT
Sau đó chúng tôi tiếp tục di chuyển đến phòng lab Digital Twin Center. Tại trung tâm đoàn được nghe bài giảng do Giáo sư Ikuno trình bày. Giáo sư tập trung vào khái niệm Digital Twin – công nghệ tạo ra các bản sao kỹ thuật số của hệ thống hoặc quy trình thực tế, phục vụ nghiên cứu. Buổi học cung cấp cho các sinh viên các kiến thức về một công nghệ mới, có thể áp dụng để dự đoán được trước các thiên tai; tính toán, ước chừng sự phát triển của thành phố hay một khu vực cụ thể.
Buổi chiều, chúng tôi tham gia buổi thuyết trình nghiên cứu của sinh viên TUT tại các phòng học. Đây là dịp để sinh viên IUH lắng nghe và trao đổi trực tiếp với các sinh viên TUT về các dự án nghiên cứu mới nhất của họ.
Sinh viên TUT trình bày sản phẩm NCKH
Sinh viên TUT thực nghiệm sản phẩm tự thiết kế
Sinh viên TUT trình bày về mô hình Robot
Ngày thứ tư, chúng tôi đã có cơ hội tham quan công ty Tobe Shoji, một trong những công ty tái chế lớn tại Tokyo, nơi này thu nhập các loại rác thải từ 3 nơi khác nhau. Việc tái chế rác thải là rất quan trọng, giúp giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, giảm lượng rác thải và bãi rác, đồng thời cũng như nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng.
Chụp ảnh lưu niệm với Giám đốc và nhân viên công ty Tobe Shoji
Sau đó chúng tôi di chuyển đến một ngôi chùa nổi tiếng Sesoji, ngôi chùa cổ nhất tại Tokyo. Tại đây, chúng tôi được tìm hiểu về văn hoá và truyền thống Nhật Bản các quầy hàng bán đồ lưu niệm, ẩm thực và đặc biệt là cách người Nhật đến chùa để cầu bình an và may mắn.
Tiếp theo hành trình, chúng tôi đến tham quan bảo tàng khoa học The National Museum of Emerging Science and Innovation (Miraikan).
Tòa nhà triển lãm Miraikan
Mô hình quả địa cầu
Mô hình robot thăm dò mặt trăng
Ngày hôm nay thực sự đáng nhớ, từ lúc khởi đầu cho đến khi kết thúc. Sau khi rời Bảo tàng Khoa học Nhật Bản, không khí mát mẻ của buổi tối Tokyo càng làm cho bước chân chúng tôi thêm nhẹ nhàng và háo hức. Trên đường đến Odaiba, khung cảnh hiện đại với những cây cầu bắc qua vịnh Tokyo lung linh dưới ánh đèn thành phố đã tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp.
Cầu bắc qua vịnh Tokyo
Mô hình robot Gundam tại Odaiba cao 30m, có thể cử động linh hoạt
Tiếp tục hành trình, Shibuya chào đón chúng tôi với sự sôi động và tấp nập của trung tâm thành phố Tokyo. Đường phố đông đúc nhưng không hề khiến chúng tôi cảm thấy ngột ngạt, mà ngược lại nó tạo ra một không khí náo nhiệt và đầy sức sống.
Phố đi bộ nổi tiếng Shibuya
Ngày thứ năm, chúng tôi tham dự buổi trình bày bài giảng đặc biệt tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ Vật liệu Lignin tiên tiến, TUT của tiến sĩ Iritani. Buổi học đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho chúng tôi, giúp hiểu rõ hơn về tinh thần nghiên cứu sáng tạo và ứng dụng thực tiễn trong học tập.
Sinh viên IUH chuẩn bị cho thực nghiệm phản ứng hóa học
Buổi chiều cùng ngày, chúng tôi di chuyển từ TUT đến Trung tâm triển lãm Maglev, tỉnh Yamanashi. Được tận mắt chứng kiến và cảm nhận tốc độ lên đến 500 km/h của tàu siêu tốc Maglev. Đây không chỉ là một trải nghiệm mới mẻ, mà còn cảm nhận rõ hơn về sự phát triển không ngừng của công nghệ giao thông hiện đại.
Mô hình thực tế của Tàu từ trường siêu tốc
Kết thúc hành trình giao lưu, học hỏi, trao đổi kiến thức tại một nước phát triển Nhât Bản, chúng tôi đã có thêm động lực để học tập phấn đấu, trau dồi bản thân, tích lũy kinh nghiệm cho những dự án ở hiện tại và tương lai. Chuyến đi cũng thể hiện sự đoàn kết, hữu nghị giữa hai nhà trường Đại học Công nghiệp TP. HCM và Đại học Công nghệ Tokyo nói riêng và hai nước nói chung, thúc đẩy sự hợp tác toàn diện trên mọi lĩnh vực từ kinh tế đến giáo dục, xây dựng một thế giới hòa bình để cuộc sống con người ngày càng tốt đẹp.