Ngành Luật Kinh tế - Ngành luôn đứng “top đầu” của IUH 05-03-2024
Kinh doanh đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Luật Kinh tế là ngành kết hợp giữa luật học và các kiến thức tổng hợp từ kinh tế học. Việc am hiểu pháp luật về lĩnh vực này là điều hết sức quan trọng nếu ta muốn dẫn đầu xu thế và có cơ hội làm việc màu mỡ.
Nhắc đến Luật, chúng ta hay nghĩ đến làm luật sư, nhưng cơ hội làm việc của ngành này rất đa dạng. Hãy cùng nhau điểm qua những nghề nghiệp dẫn đầu xu hướng mà sinh viên ngành Luật lựa chọn trong những năm gần đây:
- Luật sư: có công việc cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng một cách độc lập theo quy định của pháp luật, quy tắc, đạo đức nghề nghiệp, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của khách hàng. Nơi làm việc: tại Đoàn luật sư các tỉnh thành, Công ty dịch vụ tư vấn về luật, Văn phòng Luật sư, các tổ chức hành nghề Luật, Luật sư văn phòng, Luật sư tại các công ty, đơn vị, doanh nghiệp, Luật sư công, thậm chí hành nghề Luật sư tự do..,.
- Thẩm phán: là chức danh xét xử chuyên nghiệp và là người có trình độ chuyên môn cao nhất về pháp luật trong hội đồng xét xử. Nơi làm việc: Toà án nhân dân các cấp từ trung ương đến tỉnh, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án quân sự.
- Thư ký tòa án: người tiến hành tố tụng, được Chánh án Tòa án phân công để hỗ trợ Thẩm phán và Hội đồng xét xử trong quá trình giải quyết vụ án, có trách nhiệm ghi chép, tống đạt văn bản pháp lý liên quan, thực hiện các công việc khác nhằm đảm bảo cho Thẩm phán tòa án thực hiện chức năng và nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. Nơi làm việc: Tòa án nhân dân các cấp.
- Kiểm sát viên: là người thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Nơi làm việc: Viện kiểm sát nhân dân các cấp trung ương đến huyện, quận, thành phố thuộc tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát quân sự.
- Công chứng viên: là người có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Luật này, được Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm để hành nghề công chứng, thực hiện việc chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản, tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng. Phạm vi hoạt động rộng khắp cả nước: Phòng công chứng nhà nước, văn phòng công chứng, tổ chức hành nghề công chứng khác.
- Chuyên viên pháp lý kinh doanh: là người quản lý và giám sát các hoạt động kinh doanh, nhân viên. Nơi làm việc: các tổ chức xã hội bảo vệ người lao động, người tiêu dùng, bảo vệ bà mẹ trẻ em, người yếu thế, các công ty sản xuất, đơn vị phân phối hoặc tại các cửa hàng,…
- Các lĩnh vực khác, như thừa phát lại, trọng tài viên, hòa giải viên, nhân viên thanh tra, pháp chế, cán bộ tư pháp, hộ tịch, đất đai, môi trường…
- Đặc biệt, người tốt nghiệp ngành luật có trình độ chuyên môn từ cử nhân loại giỏi, thạc sĩ, tiến sĩ,… chuyên ngành luật, có đạo đức và có đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật giáo dục đại học có thể được tuyển dụng làm giảng viên luật. Nơi làm việc: các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp, hoặc giảng dạy pháp luật đại cương, giáo dục công dân tại các trường trung học phổ thông.
Độ phủ sóng của các ngành nghề liên quan đến Luật không chỉ trong nước mà còn rộng khắp thế giới. Rõ ràng ngành Luật Kinh tế chưa bao giờ “nguội” mà ngày càng “nóng” hơn.
Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh thuộc top các trường đào tạo Luật Kinh tế tốt nhất cả nước. Cùng tìm hiểu Nhà trường và khoa Luật IUH đã làm cách nào để khẳng định vị thế này?
Thứ nhất: Tuyển chọn đội ngũ giảng viên đầy đủ cả Tâm – Trí - Lực. Khoa có 25 giảng viên cơ hữu, gồm 01 Phó giáo sư, 4 Tiến sĩ, 7 Nghiên cứu sinh, 8 Thạc sĩ, ngoài ra còn có gần 10 giảng viên thỉnh giảng là các Tiến sĩ, Thạc sĩ giữ chức vụ Phó Chánh án, Thẩm phán, Luật sư có tiếng tại TP. Hồ Chí Minh. Toàn thể giảng viên đều có kinh nghiệm giảng dạy nghiên cứu luật pháp, lý luận chuyên sâu, có nền tảng kiến thức pháp luật tốt.
Đội ngũ giảng viên khoa Luật
Thứ hai: Đầu tư cho chương trình giảng dạy. Toàn khoa cùng nhau đầu tư, nghiên cứu đổi mới chương trình giáo dục phù hợp nhất với nhu cầu học luật của sinh viên hiện nay. Khoa Luật cũng thường xuyên gặp gỡ với các nhà tuyển dụng, các doanh nghiệp nhằm tìm hiểu nhu cầu về người lao động, từ đó đưa ra chương trình đào tạo phù hợp với công việc trên thực tế.
Thứ ba: Rút ngắn thời gian đào tạo. Là trường duy nhất có chương trình giảng dạy bậc Đại học luật 3,5 năm, giúp sinh viên có thêm nhiều thời gian tiếp xúc với môi trường làm việc thực tế. Trong thời gian học tại trường, sinh viên ngành Luật Kinh tế còn được tham gia thực tập, kiến tập tại các đơn vị như Tòa án, Văn phòng Công chứng, Công ty, Doanh nghiệp,...
Thứ tư: Chuyển đổi hình thức thi từ tự luận sang thi vấn đáp (từ khóa K19). Giúp việc học luật không còn trở nên khô khan chỉ dựa vào sách vở mà còn cho sinh viên hiểu sâu rộng hơn về mảng pháp luật, rèn luyện kỹ năng xử lý tình huống, giao tiếp - đối thoại, nhảy số nhanh, sự tự tin trước đám đông. Đây là một kỹ năng hết sức quan trọng đối với “người học luật”
Khoa Luật thi cuối kỳ bằng hình thức vấn đáp.
Thứ năm: Đẩy mạnh tổ chức các cuộc thi, hội thảo, tọa đàm liên quan đến luật pháp như: Ngày hội Pháp luật, Phiên tòa giả định, Sinh viên cùng pháp luật, Tài năng sinh viên luật, các buổi hội thảo, tọa đàm tìm hiểu về pháp luật,… Bằng các chương trình này, sinh viên sẽ có cơ hội tiếp xúc nhiều hơn nữa với công việc thực tế sau khi ra trường.
Phiên tòa giả định 2023 (nguồn: CLB truyền thông UMC).
Tài năng sinh viên khoa Luật.
Tọa đàm “Thúc đẩy kỹ năng nghiên cứu khoa học của sinh viên luật”.
Thứ sáu: Cân bằng giữa việc học và việc chơi cho sinh viên. Bên cạnh những hoạt động về chuyên ngành luật, khoa còn tổ chức những sân chơi bổ ích cho sinh viên qua các hoạt động thiện nguyện: xuân tình nguyện, xuân yêu thuơng, mùa hè xanh, trung thu cho em,…qua những cuộc thi tài năng: văn nghệ khoa Luật (Law Music), giải bóng đá nam khoa Luật (Law Cup), lập đội tuyển cờ tướng, cờ vua, bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông, kéo co.
Văn nghệ khoa Luật (LAW MUSIC) (nguồn: Đoàn Khoa Luật - trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh).
Bằng sự nỗ lực của Nhà trường và tập thể giảng viên Khoa Luật, chất lượng đào tạo của ngành Luật Kinh tế được nâng cao qua từng năm. Ngành Luật Kinh tế luôn năm trong top những ngành có điểm chuẩn đầu vào cao nhất tại IUH.
Phương thức tuyển sinh ngành Luật Kinh tế tại IUH năm 2024: đánh giá năng lực, xét tuyển thẳng, điểm thi THPTQG, xét học bạ, ưu tiên xét tuyển, bằng các tổ hợp A00, C00, D01,D96.
Mức điểm: từ 24 điểm thi THPTQG, từ 28 điểm học bạ, 800 điểm đánh giá năng lực với hệ đại trà, tương tự hệ chất lượng cao lần lượt là: từ 23 điểm, 26 điểm, gần 700 điểm.
Các bạn tân sinh viên Luật khóa K19 đang háo hức nhập học.
Theo: Cẩm Tú.