SINH VIÊN

IUH: 10 tỷ đồng cho hoạt động sáng tạo và khởi nghiệp của sinh viên 09-09-2019

Nguồn: Tạp chí Khoa học và Phát triển

Thông tin này được PGS.TS Lê Văn Tán, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp TPHCM (IUH) cho biết tại “Ngày hội sinh viên sáng tạo và khởi nghiệp lần 3 – FIS 2019” do Đoàn Thanh niên phối hợp cùng Hội Sinh viên, Câu lạc bộ Khởi nghiệp IUH tổ chức ngày 8/9 tại TPHCM.

TS Lê Văn Tán chia sẻ, trải qua hai lần tổ chức (2017, 2018), FIS đã lan tỏa rộng rãi trong sinh viên không chỉ trong trường IUH mà còn thu hút sự tham gia của cả những sinh viên trường khác trên địa bàn TPHCM. Quy mô tổ chức được mở rộng hơn, các hoạt động cũng đa dạng cả về hình thức lẫn chuyên môn. “Nhà trường cũng đã xây dựng Quỹ khởi nghiệp cho sinh viên, với nguồn vốn 10 tỷ đồng, nhằm khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các em sáng tạo và thực hiện ước mơ khởi nghiệp” – PGS. TS Lê Văn Tán nói.

PGS.TS. Lê Văn Tán - Phó Hiệu trưởng IUH

Bà Nguyễn Thị Thương – Bí thư Đoàn trường IUH, cho biết, điểm nhấn của FIS năm nay là khu vực triển lãm các dự án khởi nghiệp thành công và các sản phẩm sáng tạo của sinh viên trường. Ngoài các mô hình sáng tạo của sinh viên trong trường như Ứng dụng công nghệ thức tế ảo trong lớp học thông minh, AI trong giao thông…, nét mới của năm nay là có sự tham gia của các dự án khởi nghiệp đã gọi vốn thành công tại “Shark Tank” như “Ứng dụng học Tiếng Anh Elsa Speak” hay các ứng dụng đã vào chung kết “Start up Wheel”, Ứng dụng “Meetee” – Dự án đã đạt giải “Dự án khởi nghiệp xuất sắc nhất” Start up Wheel 2018,…

Bà Nguyễn Thị Thương giới thiệu khai mạc ngày hội FIS 2019

Để thúc đẩy tinh thần sáng tạo của sinh viên, các khu vực trò chơi sáng tạo, làm đồ chơi từ vật liệu tái chế, sản phẩm handmade cũng được tổ chức. Tất cả các sản phẩm sinh viên tạo ra ở ngày hội sẽ được bán đấu giá quyên góp tiền tổ chức chương trình “Trung thu cho em”, cũng như làm quà tặng cho các em thiếu nhi.

Trong khuôn khổ ngày hội, Chương trình Talkshow năm nay cũng được tổ chức với chủ đề “Từ ý tưởng khởi nghiệp đến ý tưởng kinh doanh”. Tại đây, các khách mời là những doanh nhân thành công đã chia sẻ kinh nghiệm với các bạn sinh viên về phát triển ý tưởng khởi nghiệp, tham gia các cuộc thi khởi nghiệp để quảng bá và gọi vốn, những khó khăn của các startup khi khởi nghiệp,…

Một số hình ảnh hoạt động tại FIS 2019:

Mũ bảo hiểm thông minh của nhóm sinh viên Khoa công nghệ điện sử dụng cảm biến mùi, có thể phát hiện nồng độ cồn từ 0,25 miligam/1 lít khí thở. Sau khi phát hiện người đội mũ có nồng độ cồn cao, một cuộc điện thoại và tin nhắn sẽ lập tức tự động gọi đến số của người thân (khi đăng ký qua một ứng dụng, cũng do nhóm sinh viên này viết), để báo cho người thân biết họ đang ở đâu. Hiện ý tưởng của các bạn đã được Công ty TNHH BlueSea (TPHCM) cấp kinh phí sản xuất thử nghiệm 20 chiếc ban đầu và đưa ra thị trường để thăm dò nhu cầu của khách hàng. Nhóm đang tiếp tục nghiên cứu phát triển thêm chức năng phát hiện tai nạn và tự động gọi cho người thân.

Máy CNC của nhóm sinh viên khoa Công nghệ điện tử được thiết kế, chế tạo thử nghiệm có thể khắc, viết chữ và gắp hàng tự động.

Khóa xe máy thông minh do nhóm sinh viên khoa Công nghệ điện tử chế tạo, ứng dụng công nghệ RFID và có cơ cấu nhận trả thẻ tự động. Khi người dùng đưa xe máy vào vị trí khóa, cơ cấu khóa tự khóa bánh xe, đồng thời trả ra thẻ RFID ở hộp nhận trả thẻ. Khi nhận đúng thẻ, khóa tự động mở để lấy xe ra. Sản phẩm đang được lắp đặt thử nghiệm tại một số cửa hàng ở Quận Gò Vấp, TPHCM.

Khu vực tái chế cũng thu hút đông đảo các bạn trẻ tham gia

Chơi cũng phải khéo léo và sáng tạo

Kiều Anh