SINH VIÊN

Đề án 1665 và Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên: Chặng đường 03 năm của phong trào khởi nghiệp tại trường học 23-12-2020

Ngày 30/10/2017 Thủ tướng chính phủ ký quyết định ban hành Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” (gọi tắt là Đề án 1665) giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) chủ trì thực hiện.

Đề án có mục tiêu thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên và trang bị các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên trong thời gian học tập tại các nhà trường; tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ học sinh, sinh viên hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, góp phần tạo việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp; 100% các trường đại học, học viện, 70% các trường cao đẳng, trường trung cấp có ít nhất 05 ý tưởng, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên được hỗ trợ đầu tư từ nguồn kinh phí phù hợp hoặc kết nối với các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư mạo hiểm.


Các Đại biểu ấn nút khởi động SV.STARTUP - 2018

Trong 3 năm triển khai Đề án, nhiều chương trình, sự kiện đã được triển khai nhằm tôn vinh, khuyến khích và truyền cảm hứng cho tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên (HSSV). Nổi bật trong số đó là Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của HSSV, cùng Cuộc thi HSSV với ý tưởng khởi nghiệp (SV.STARTUP). Đây là sự kiện niên lớn nhất về khởi nghiệp dành cho đối tượng HSSV trên cả nước do Bộ GD-ĐT chủ trì và phối hợp với các Bộ, Ngành, các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức.

Trong lần đầu tiên tổ chức vào năm 2018 tại Trường Đại học Kinh tế Quốc Dân, Hà Nội; Ngày hội thu hút hơn 3.000 học sinh, sinh viên đến từ các cơ sở đào tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội; khoảng 200 HSSV đến từ các địa phương khác trong cả nước và hơn 100 doanh nghiệp tham gia và đã có 80 dự án khởi nghiệp của HSSV các trường đại học, cao đẳng và đại diện một số trường THPT trong toàn quốc tham gia trưng bày tại các không gian khởi nghiệp trong 7 lĩnh vực.


Các Đại biểu thực hiện nghi thức khởi động SV.STARTUP - 2019

Bước sang năm thứ hai, Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên năm 2019 được tổ chức tại Đại học Bách Khoa Hà Nội vào ngày 4,5/10/2019. Sự kiện được tổ chức với quy mô trên toàn quốc với hơn 200 trường Đại học, cao đẳng, Trung cấp, Phổ thông trung học thuộc sự quản lý của Bộ GD&ĐT tham gia, tiếp cận được trên 200.000 học sinh, sinh viên. Trong đó, BTC nhận được gần 300 bài dự thi và đã chọn ra được 68 dự án xuất sắc nhất, trong 8 lĩnh vực tham gia tranh tài tại vòng Chung kết. Với sự hiện diện của Phó Thủ tướng Chính Phủ Vũ Đức Đam, SV.STARTUP - 2019 đã thu hút hơn 5000 người tham dự, hơn 100 đơn vị Báo chí – Truyền hình đến đưa tin về sự kiện, cùng nhiều Doanh nghiệp – Tập đoàn, Quỹ đầu tư quan tâm tham gia hỗ trợ dự án.


Các Đại biểu thực hiện nghi thức khởi động SV.STARTUP - 2020

Năm nay, vượt qua nhiều thách thức từ dịch bệnh Covid-19, tinh thần khởi nghiệp của HSSV cả nước vẫn tiếp tục được tôn vinh trong Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của HSSV lần thứ 3, tổ chức tại trường Đại học Thủy lợi vào hai ngày 21 và 22/12/2020. Sự kiện quan trọng nhất của Ngày hội năm nay là Vòng Chung kết SV_STARTUP 2020, với 50 dự án đến từ các trường đại học và 22 dự án đến từ các Sở GD-ĐT trong cả nước. Được phát động từ tháng 7/2020 đến hơn 400 trường đại học, cao đẳng, trung cấp và các trường THCS, THPT, cuộc thi đã tiếp cận gần 20 triệu HSSV, nhận được gần 600 bài dự thi, nhiều hơn 50% so với năm 2019. Các dự án khởi nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực, từ khoa học, công nghệ, chế biến thực phẩm, giáo dục, y tế… Trong khuôn khổ của Ngày hội, còn diễn ra hơn 80 gian trưng bày các ý tưởng khởi nghiệp, cùng với đó là các hoạt động thiết thực đối với sinh viên, như diễn đàn truyền cảm hứng khởi nghiệp, hội thảo giải pháp phát triển các dự án khởi nghiệp của giảng viên trẻ và sinh viên, hội thảo phát triển câu lạc bộ khởi nghiệp trong các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông...

Phát biểu tại buổi lễ khai mạc Ngày hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, yêu cầu mới đòi hỏi đất nước phát triển nhanh, bền vững hơn. Trong bối cảnh khoa học - công nghệ phát triển như hiện nay, có rất nhiều mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ mới, tạo ra sản phẩm mới, cách tiếp cận thị trường mới, và nếu thành công thì sẽ có sức phát triển mạnh mẽ. Những cộng đồng nào khơi dậy được sự sáng tạo thì sẽ có cơ hội thành công nhiều hơn.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, để đạt mục tiêu này, ngoài việc tập trung đầu tư cải thiện môi trường kinh doanh thì phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa công tác giáo dục và đào tạo. Tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp phải được đưa vào giáo dục phổ thông và giáo dục đại học, trang bị cho học sinh, sinh viên những kiến thức nền tảng về khởi nghiệp; khơi dậy tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên một cách mạnh mẽ. Khẳng định tầm quan trọng của tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo, Phó Thủ tướng nhắn nhủ tới học sinh, sinh viên: "Đừng quá chú trọng vào việc học thuộc để lấy điểm cao, mà hãy tăng cường học hỏi qua giao tiếp, qua các phong trào như khởi nghiệp, sáng tạo".

Mặc dù đi chưa hết một nửa chặng đường, trong  ba năm vừa qua, Đề án 1665 và chương trình Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của HSSV đã thể hiện vai trò định hướng, dẫn dắt các hoạt động giúp phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong các cơ sở đào tạo các cấp. Hi vọng rằng, ngọn lửa nhiệt huyết của tinh thần khởi nghiệp được khơi dậy từ các chương trình như thế này sẽ tiếp tục được duy trì, và đặt nền móng cho sự phát triển thần tốc trong tương lai của cả đất nước.