SINH VIÊN

Đảm bảo sức khỏe cho sinh viên trong mùa nắng nóng 10-04-2024

Hiện nay Sài Gòn đang ở mùa nắng nóng, cơ thể bài tiết nhiều mồ hôi để giải nhiệt gây mất nhiều nước và các chất khoáng, khiến người mệt mỏi, cộng với thời tiết oi bức làm chúng ta có cảm giác khó chịu. Trong thời tiết như vậy, các bạn sinh viên cần có một chế độ dinh dưỡng hợp lý để đảm bảo sức khỏe đồng thời bù lại lượng nước và khoáng chất đã bị hao hụt.

IUH ngày nắng nóng

1. Một số bệnh thường gặp trong mùa nắng nóng

Bệnh thường gặp vào mùa hè (Nguồn: Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Mỹ)

Say nắng, say nóng: Nguyên nhân chủ yếu là do phải tiếp xúc quá lâu hoặc làm việc trong môi trường nắng nóng, nhiệt độ cao hoặc cũng có thể do thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột.

Bệnh về đường tiêu hóa: Khi nhiệt độ tăng cao, nắng nóng dài ngày khiến thực phẩm dễ bị ôi, thiu đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn sinh sôi nảy nở và gây bệnh.

Bệnh về đường hô hấp: khi thời tiết nắng nóng, việc chống nóng bằng cách bật quạt gió mạnh trực tiếp vào người hoặc để nhiệt độ điều hòa quá thấp có nguy cơ làm khô vùng hầu họng, các chất nhầy bảo vệ đường hô hấp bị khô, tạo điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật gây bệnh xâm nhập và phát triển gây nên các bệnh đường hô hấp, đặc biệt là gây viêm amidan, viêm thanh quản, phế quản cấp tính, nặng hơn có thể gây viêm phổi. Uống nước đá lạnh trong những ngày nắng nóng cũng là nguyên nhân gây viêm họng, đặc biệt là ở trẻ em.

Bệnh về da: tia tử ngoại và các bức xạ khác có trong ánh sáng mặt trời rất nguy hại, có thể gây một số bệnh về da như sạm da, lão hóa da, bỏng nắng, ung thư da và các bệnh về mắt như đục thủy tinh thể.

Nắng nóng cũng là nguyên nhân khiến nồng độ ozon và một số chất ô nhiễm khác trong không khí tăng cao gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người, nắng nóng còn làm gia tăng các bệnh tai biến mạch máu não, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, thậm chí gây đột tử. 

Một số bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng, cũng có thể gia tăng và gây dịch vào mùa nắng nóng.

2. Một số lời khuyên dành cho các bạn sinh viên

a. Tránh tình trạng mất nước

Để hạn chế tối đa những ảnh hưởng có hại đến sức khỏe trong mùa nắng nóng, mỗi người cần uống nhiều nước. Nắng nóng làm cơ thể ra mồ hôi nhiều nếu không được bù nước đầy đủ sẽ gây mất nước, nên cần bổ sung đầy đủ nước. Đây chính là biện pháp đầu tiên, dễ thực hiện và rất hiệu quả để chống nắng nóng. Trung bình cần uống từ 2,5 - 3 lít nước/ngày trong những ngày nắng nóng. Nên chia thành từng ngụm nhỏ, bổ sung nước thường xuyên, không để khi cơ thể quá khát mới bổ sung nước.

Chúng ta cần uống đủ nước mỗi ngày (Nguồn: Vinmec)

b. Thực phẩm dinh dưỡng cho ngày hè

Về chế độ dinh dưỡng: Thực hiện ăn chín, uống chín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tăng cường ăn đa dạng các loại rau xanh và hoa quả, nên có món canh trong bữa ăn hàng ngày. Đây là những thực phẩm chứa nhiều vitamin và khoáng chất giúp tăng cường sức đề kháng, thanh nhiệt, giải độc vào những ngày nắng nóng. 

Nên ăn thức ăn dễ tiêu hóa, thức ăn nhiều nước; ăn nhiều những thực phẩm có tác dụng thanh nhiệt, giải độc cơ thể để chống nắng nóng như: trái cây, rau xanh, chè hạt sen, sữa chua, sữa tươi…

Hình ảnh tháp cân đối dinh dưỡng (Nguồn: Bách hóa xanh)

c. Biện pháp chống nắng khi đi ra ngoài

Nên mặc trang phục nhẹ, rộng, dễ thấm mồ hôi. Ra đường cần mặc kín, nhưng tránh quần áo quá dày và tối màu vì sẽ dễ hấp thụ nhiệt; đội mũ rộng vành, ưu tiên loại có các lỗ thông hơi; đeo kính râm để bảo vệ mắt...

Ngoài ra cần giữ vệ sinh sạch sẽ để tránh mắc các bệnh truyền nhiễm. Giữ nhà cửa thông thoáng, tắt hết các thiết bị điện không cần thiết để tránh tỏa nhiệt nóng. Tập thể dục thể thao, nên tập vào thời điểm sáng sớm vừa giúp tránh các tác hại do thời tiết nắng nóng, vừa giúp cho người chơi thể thao có tinh thần tốt hơn.


Cách chống nắng hợp lý (Nguồn: Đời sống sức khỏe)

d. Sử dụng điều hòa và quạt hợp lý

Khi dùng quạt và điều hòa cần lưu ý: Hạn chế gió quạt lùa thẳng vào người; sử dụng điều hòa nên để nhiệt độ từ 28-29 độ và hạn chế thay đổi môi trường đột ngột để tránh bị sốc nhiệt. Không nên ở trong phòng điều hòa liên tục, dễ ảnh hưởng đến da và bị các bệnh về đường hô hấp. Ngoài ra, người dùng nên tắt điều hòa trước khi ra ngoài khoảng 20-30 phút, đồng thời mở cửa để không khí lưu thông giúp cơ thể thích nghi với nhiệt độ ngoài trời. Nếu đi từ ngoài vào phòng điều hòa, nên mở cửa và ngồi trước cửa phòng một lát để nhiệt độ cơ thể hạ dần dần, thích nghi với sự thay đổi nhiệt độ.

Sử dụng điều hòa và quạt vào những ngày hè (Nguồn: Google)

Theo: Phương Thảo - Cẩm Tú