Hội nghị khoa học quốc tế về An ninh lương thực và phát triển bền vững 2017 - ISFS2017 23-11-2017

Sáng 23/11/2017, tại Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (IUH) đã khai mạc Hội nghị khoa học quốc tế “An ninh lương thực và Phát triển bền vững 2017 - ISFS2017” với sự tham gia của 150 đại biểu. Hội nghị do Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, IUH phối hợp cùng Viện Thưc phẩm Châu Á - Thái Bình Dương (APIFP), Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TP.HCM (CASE) thuộc Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM tổ chức.

Hội nghị được tài trợ bởi Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) và Trung tâm Dịch vụ Phân tích Thí nghiệm TP.HCM (CASE) cùng các doanh nghiệp trong nước.

Tham dự Hội nghị có các nhà khoa học của Trường Đại học Tomas Bata (Công hòa Czech), Đại học Szent Istvan (Hungary), Viện Nghiên cứu Thực phẩm Quốc gia (Nhật Bản), … cùng các trường đại học và các trung tâm nghiên cứu khác trong và ngoài nước.

TS. Nguyễn Chí Hiếu - Phó Hiệu trưởng IUH phát biểu tại Hội nghị

Sau 1 năm chuẩn bị, Ban tổ chức đã nhận được 150 bài báo khoa học của các tác giả trong và ngoài nước. Trong đó có 42 bài của các tác giả thuộc các trường đại học và viện nghiên cứu đến từ 18 quốc gia trên thế giới. Sau 2 lần phản biện độc lập, Ban tổ chức đã chọn được 118 bài có chất lượng tốt nhất công bố tại Hội nghị lần này. 

Các nhà khoa học, quản lý, doanh nghiệp trong nước và quốc tế tham dự Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, TS. Nguyễn Chí Hiếu - Phó Hiệu trưởng IUH nhấn mạnh, “ISFS2017 là dịp để các giáo sư, nhà khoa học, giới trí thức trong nước và quốc tế gặp gỡ, trao đổi, công bố những kết quả nghiên cứu mới nhất trong lĩnh vực khoa học công nghệ về “An ninh lương thực và Phát triển bền vững”, đẩy mạnh giao lưu, hợp tác trong nghiên cứu. Trong thời gian tới, IUH sẽ đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học gắn với thị trường và nhu cầu xã hội đối với các lĩnh vực Công nghệ Thực phẩm và Công nghệ Sinh học là các lĩnh vực Nhà trường đặt trọng tâm; tham gia các nhiệm vụ khoa học công nghệ và dịch vụ khoa học công nghệ; chủ động tìm kiếm và nhận tài trợ, viện trợ cho các dự án hợp tác nghiên cứu khoa học và công nghệ trong nước và quốc tế”.

Theo TS. Malik A. Hussain, Chủ tịch Viện Thực phẩm Châu Á - Thái Bình Dương (APIFP), “ISFS2017 là hội nghị quốc tế có ý nghĩa cao trong việc liên kết các nhà khoa học và trao đổi kiến thức trong lĩnh vực an ninh lương thực và phát triển bền vững”. Ông đánh giá cao chất lượng các bài báo cáo khoa học tại Hội nghị lần này.

TS. Malik A. Hussain phát biểu tại Hội nghị

Cùng thời gian đó, vào ngày 22 tháng 11 năm 2017, Hội thảo Châu Á về Probiotics lần 4 (4th APPW) cũng được tổ chức song hành vào thời gian diễn ra Hội nghị. Với mục tiêu là công bố các nghiên cứu mới về probiotics nhằm phục vụ cho con người và cuộc sống, chia sẻ các ý tưởng về các định hướng mới trong việc sử dụng probiotics trong sản xuất thực phẩm an toàn cho con ngưởi, Hội thảo đã có sự tham gia của trên 70 nhà khoa học trong và ngoài nước.

Các nhà khoa học, quản lý, doanh nghiệp trong nước và quốc tế tham dự Hội thảo Châu Á về Probiotics

Các nhà khoa học cùng tham gia giao lưu văn nghệ tại Gala dinner

Trong chương trình Hội nghị, Ban tổ chức đã tổ chức cho các nhà khoa học đi tham quan đồng tôm tại Cần Giuộc, Long An. Mục tiêu là tham quan thực tế về phương thức nuôi tôm của nông dân Việt Nam. Tham gia chuyến đi có 62 người, bao gồm có các nhà khoa học và các bạn học viên tham dự tập huấn ngắn hạn.

Các nhà khoa học đi tham quan đồng nuôi tôm

Sau Hội thảo, kết hợp với chuyến tham quan đồng tôm, khóa tập huấn ngắn hạn về “Đánh giá mối nguy trong thịt và hải sản - từ nông trại đến bàn ăn” được tổ chức với sự tham gia của 80 học viên. Các kiến thức thu nhận được từ 4 chuyên gia sẽ góp phần giúp các học viên nhân định tốt hơn và nắm bắt cụ thể hơn về các phương pháp đánh giá mối nguy trong thịt và hải sản tại Việt Nam.

Khóa tậo huấn về Đánh giá mối nguy trong thịt và hải sản - từ nông trại đến bàn ăn

Hội nghị quốc tế ISFS2017 và các chuỗi sự kiện đã diễn ra thành công, mở ra sự hợp tác giữa các tổ chức, chuyên gia trong và ngoài nước.

Tin: Tổ truyền thông - Ảnh: CLB Truyền thông UMC - IUH